Dù diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới, nhiều doanh nghiệp ngành may mặc, điện tử… vẫn xây dựng nhà máy, gia tăng sản lượng ngay từ đầu năm.
Dọc các tuyến đường dẫn vào nhiều KCN lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, hàng loạt băng rôn thông báo tuyển dụng gấp được giăng kín, trong đó mỗi doanh nghiệp tuyển từ hàng chục đến hàng nghìn lao động.
Điều này vốn không lạ, bởi sau Tết Nguyên đán luôn được coi là cao điểm “nhảy việc”. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy lớn hơn là nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp này.
Nhà máy vẫn tăng ca, tăng dây chuyền giữa “bão” Covid-19
Gần 2 tuần qua, chị A., công nhân của một công ty chuyên sản xuất hàng điện tử tại Khu công nghiệp Đồng An 2 (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), được phân công ngồi trực bàn tuyển dụng từ 8h-16h30 mỗi ngày.
Theo thông tin chị được cung cấp để giới thiệu đến các ứng viên, công ty vừa xây dựng thêm một nhà máy thứ 3 ở KCN VSIP II gần đó nên cần tuyển 1.000 lao động phổ thông và nhiều vị trí quản lý, nhân viên văn phòng… Chỉ cần đủ 18 tuổi và có sức khỏe tốt, người lao động đã có cơ hội làm công nhân tại đây với thu nhập khoảng 10-17 triệu đồng/tháng.
“Giai đoạn dịch bệnh hiện nay công nhân tìm việc rất vất vả, nên tôi nhận nhiệm vụ này cũng muốn giúp đỡ càng nhiều lao động càng tốt. Đâu phải công ty nào cũng có thể duy trì sản xuất, thậm chí mở rộng như ở đây”, chị A. chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hết công suất và lên kế hoạch gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đơn hàng hiện nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trao đổi với Zing, bà Thu Trang – giám đốc tuyển dụng tại một công ty may mặc có tiếng ở KCN Đồng An – cũng cho biết, trong bối cảnh nhiều đơn vị trong ngành gặp khó, thậm chí phải đóng cửa, doanh nghiệp của bà vẫn thiếu lao động, phải tuyển dụng và tăng ca liên tục để hoàn tất số đơn hàng đã nhận. Đơn cử, trong tháng 3, đơn vị này dự kiến xuất khẩu 2,2 triệu sản phẩm.
“Hiện nhà máy có khoảng 5.800 lao động, trong đó 500-600 người mới xin nghỉ. Theo kế hoạch là đến tháng 3, chúng tôi phải sắp xếp nhân sự đủ để tăng số chuyền may từ 124 lên 131. Do đó, từ trước Tết, chúng tôi đã bắt đầu chạy chương trình tuyển dụng, phát tờ rơi… để tuyển thêm 1.000 người, vừa để thay thế lượng mới nghỉ, vừa để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất thời gian tới”, bà Trang cho biết.
Trước đó, trong năm 2020, công ty này cũng duy trì hoạt động đều đặn, không phải cắt giảm lao động hay chia nhỏ ca làm việc như một số đơn vị khác, có thời điểm còn quá tải đơn hàng.
“Giai đoạn đỉnh dịch khoảng tháng 7-8/2020, chúng tôi cũng có kế hoạch cắt giảm lao động, nhưng cuối cùng không cần triển khai. Nếu trước đây đơn hàng số lượng lớn, thời gian thực hiện dài ngày, thì nay mẫu mã đa dạng hơn, chủ yếu là các đơn giao nhanh. Hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 8”, bà Trang kể.
Tương tự, Công ty TNHH New Wide Việt Nam cũng đang có nhu cầu nâng công suất từ 6 triệu sản phẩm/năm lên 8,5 triệu sản phẩm/năm từ tháng 4, do đó cần tuyển thêm 300 công nhân để bổ sung vào tổng số 800 lao động hiện tại.
“Nhiều người hỏi tôi làm sao vẫn có đơn hàng liên tục như vậy trong giai đoạn này? Thực tế do thành phẩm của chúng tôi đa số là hàng may mặc phổ thông, không quá cầu kỳ về mẫu mã thời trang hay có giá trị đắt tiền, nhờ vậy không bị ảnh hưởng nhiều khi thu nhập người dân sụt giảm do Covid-19”, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, phó giám đốc nhân sự công ty cho biết.
Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tổng cộng 179 doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển dụng gần 41.500 nhân sự. Một số công ty có nhu cầu lao động lớn nhất hiện nay là Ampacs International (3.000 người), Far Eastern Apparel (2.080 người), Sài Gòn Golden Prene Enterprise (2.000 người), Gỗ Hoa Nét (1.800 người)…
Trong khi đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cũng cho biết số lao động cần tuyển mới hiện lên đến hơn 40.000 người.
“Những công nhân mất việc do Covid-19 trong năm qua chủ yếu đã tìm được công ty mới. Số lao động cần bổ sung vào thị trường hiện nay chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, một lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai khẳng định.
“Cạnh tranh lao động đang rất khốc liệt”
Nhu cầu mở rộng sản xuất kéo theo nhu cầu nhân sự tăng cao, nhưng đa số doanh nghiệp đều gặp khó trong tuyển dụng.
Chia sẻ với Zing, chị A. cho biết ngồi trực bàn tuyển dụng từ sáng đến trưa chỉ nhận được trên dưới 10 đơn xin việc. “Cứ thế này, chẳng biết bao giờ mới tuyển đủ 1.000 người”, chị than vãn.
Vị lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cũng nhìn nhận: “Nguồn cung lao động hiện có ở tỉnh không đủ đáp ứng”.
Biểu theo dõi nhân viên đến phỏng vấn do chị A. ghi lại từ đầu ngày nhưng đến 14h vẫn chỉ có 11 người. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thực tế, bà Thu Trang cho biết thời điểm sau rằm tháng Giêng các năm trước, một bộ phận lớn lao động từ miền Bắc và miền Trung sẽ đổ vào các tỉnh miền Nam tìm việc. Nhưng đến nay, qua khảo sát thị trường lao động, bà được biết không ít người chưa dám rời quê vì lo ngại tình hình dịch bệnh.
Chưa kể, năm vừa qua, nhiều công ty kinh doanh không thuận lợi, thu nhập của người lao động không ổn định nên phần đa mong muốn tìm công việc gần nhà để tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại.
“Cạnh tranh lao động đang rất khốc liệt, chúng tôi phải làm việc quần quật, cố gắng lắm mới tìm được nhân sự. Tết Tân Sửu vừa qua, thay vì tổ chức tiệc hoặc hoạt động vui chơi, chúng tôi quy đổi ngân sách thành quà tặng, nâng tiền hỗ trợ tàu xe, thưởng thâm niên… để giữ chân lao động.
Hiện chúng tôi cũng lên phương án tối ưu thu nhập thực tế của người lao động, có như vậy mới tăng khả năng cạnh tranh khi tuyển dụng”, bà Trang chia sẻ.
Từ ngày 22/2 đến nay, doanh nghiệp đã tuyển dụng thành công hơn 200 người. Kế hoạch xây dựng đủ 131 chuyền may vào tháng 3 có thể phải dời lại.
Theo: Zing News
Comments are closed.