Một ngày làm việc điển hình của anh Shamir Osman, 39 tuổi, nhân viên quan hệ công chúng tại Singapore kéo dài tới 9,5 giờ đồng hồ. Lịch trình liên tục với những cuộc họp và điện thoại liên miên đến mức anh không kịp có thời gian dành cho ăn uống. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp ngoại lệ tại thành phố này.
Những thành phố “nghiện việc”
SCMP cho biết theo cuộc khảo sát từ 40 thành phố trên thế giới, thời gian làm việc trung bình tại Singapore kéo dài tới 45 giờ/tuần. Đây là thành phố đứng thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thời gian làm việc dài nhất.
Công việc kéo dài là nguyên nhân chính khiến người lao động đối mặt với stress. Ảnh: Shutterstock. |
Báo cáo về thời lượng làm việc vừa được phát hành hồi tháng 8/2019 dựa trên kết quả phân tích thời lượng tại văn phòng, số giờ việc mỗi tuần và thời gian nghỉ phép. Kết quả cho thấy, 3 trong top 5 thành phố làm việc “điên cuồng” nhất của danh sách này là các thành phố lớn của châu Á.
Trong đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản chiếm vị trí hàng đầu, Singapore đứng thứ hai, Kuala Lumpur, thủ phủ của Malaysia với 46 giờ làm việc bình quân mỗi tuần đứng thứ 4. Mỹ chiếm 2 vị trí với Washington đứng thứ 3 và Houston, bang Texas đứng thứ 5.
Đứng cuối cùng của danh sách này, ngược lại là những thành phố có sự cân bằng tốt nhất giữa thời gian dành cho công việc và tận hưởng cuộc sống. Phần lớn các thành phố này đều thuộc khu vực Bắc Âu gồm Helsinki ở Phần Lan, tiếp theo là Munich của Đức, Oslo của Na Uy. Tại những thành phố này, cư dân có thời lượng làm việc trong tuần ngắn nhất, tối thiểu là dưới 39 giờ/tuần tại Hamburg ở Đức và Stockholm của Thụy Điển.
Trong khi đó, cư dân thành phố Munich, Đức được hưởng bình quân gần 30 ngày nghỉ phép/năm thì người làm ở Singapore chỉ có vỏn vẹn 14 ngày, và càng khập khiễng hơn khi cư dân Tokyo chỉ có 10 ngày nghỉ phép để tận hưởng mỗi năm.
Tại sao dân châu Á lại cuồng việc như vậy?
Erman Tan, cựu chủ tịch của Viện nghiên cứu Nhân sự Singapore, cho hay đây là biểu hiện của “văn hóa và hành vi công sở” truyền thống trong khu vực. Người dân Singapore cho rằng “chăm chỉ là một đức tính tốt. Và môi trường công việc đầy tính cạnh tranh khiến con người cần phải lao vào làm việc chăm chỉ để bắt kịp”, ông Erman cho biết thêm.
Người dân Phần Lan, Bắc Âu duy trì cán cân công việc và trải nghiệm cuộc sống tốt nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock. |
Tấm gương điển hình của phong trào “cuồng” việc này là Betty Ho – cựu nhân viên tại một công ty Nhật Bản. Cựu nhân viên 41 tuổi này cho biết: “Nhân viên không được phép đến trễ, cần tham gia nhiều cuộc họp, phải đảm bảo bàn làm việc gọn gàng và ngăn nắp. Cần nhớ, ông chủ luôn luôn đúng và nhân viên không được phép ra về sớm hơn sếp của mình”.
Tuy nhiên, một số hãng công nghệ Trung Quốc hồi đầu năm đã bị chỉ trích gay gắt vì chạy đua tiến độ đã ép nhân viên theo đuổi mô hình làm việc 996 – liên tục làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày/tuần.
Cuộc tranh luận nổ ra xung quanh mối quan hệ giữa năng suất và cân bằng cuộc sống công việc ở nước này, đặc biệt là khi tỷ phú Jack Ma cho rằng lịch trình 996 là một “phước lành cực lớn mà nhiều hãng và nhân viên còn không có cơ hội được làm”.
Jack Ma chia sẻ: “Nếu bạn không theo nổi lịch trình 996 khi còn trẻ, vậy phải chờ đến khi nào? Nếu chưa từng thử làm như vậy trong đời thì bạn còn có gì để tự hào?”. Tuy nhiên, tăng giờ làm vẫn chưa hẳn đồng nghĩa với tăng hiệu quả công việc.
Giờ làm cao hơn, năng suất thấp hơn
Năm 2017, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống kê cho thấy, trung bình mỗi giờ một công nhân Nhật Bản đóng góp 46,10 USD cho GDP nước này, trong khi đó người Phần Lan tạo ra tới 64,60 USD. Vậy là dù thời gian làm việc dài hơn nhưng mỗi nhân viên Nhật Bản đóng góp ít hơn cho nền kinh tế so với đồng nghiệp ở Bắc Âu.
Kết luận này giống với kết quả cuộc thử nghiệm đáng chú ý của Microsoft Nhật Bản khi giảm thời gian làm việc còn 4 ngày/tuần cho toàn bộ 2.300 nhân viên của mình.
Với việc duy trì mức tiền lương không đổi, không cần làm việc thứ sáu, tinh thần nhân viên được cải thiện và kết quả lao động còn gây bất ngờ lớn. Microsoft cho biết năng suất lao động tăng tới 40%, đặc biệt nhu cầu điện và giấy in còn cắt giảm 1/4.
Mặt khác, Tan, chuyên gia về quan hệ con người đồng thời là nhân viên kỹ thuật hóa học tại Asia Polyurethane Manufacturing cho rằng nhờ kết nối công nghệ, giờ đây công việc có thể được thực hiện ở bất cứ đâu. Thông qua điện thoại hay máy tính, nhân viên có thể làm việc ở nhà hay trên tàu và vào bất cứ giờ nào.
Tuy nhiên, khả năng kết nối công việc liên tục 24 giờ cũng có thể mang lại mặt trái. Việc phải bật sẵn sàng nhận việc dù đang nghỉ ngơi hay làm việc nhà có thể khiến nhân viên dần trở nên “tiêu cực”, thậm chí là kiệt sức, nhân viên quản lý quan hệ công chúng Osman cho biết.
Người dân thành phố Tokyo có mức độ làm việc căng thẳng nhất thế giới. Ảnh: EPA. |
Để đối phó, Etain Chow, 28 tuổi, quản lý một nhãn hàng cao cấp ở Kuala Lumpur đã nghiêm khắc đặt ra quy tắc cho bản thân – không trả lời email, tin nhắn làm việc trước 9h sáng và sau 7h30 tối, và cả ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện khi Chow gần đến hạn mỗi dự án, việc nán lại văn phòng cho đến 9 giờ tối hay làm việc xuyên cả thứ 7 hay chủ nhật vẫn thường xảy ra.
Etain Chow cho biết điều này có thể chấp nhận được, vì sau đó cô có thể nghỉ ngơi để bù đắp sau mỗi lần phấn đấu mệt nghỉ. “Tôi cho rằng thời gain cho công việc còn phù hợp với loại hình công việc. Nếu tôi muốn duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi sẽ lựa chọn công việc ngân hàng hay lĩnh vực khác”, Chow cho biết thêm.
Theo: Zing News
Comments are closed.