Với mong muốn đem đến cho khách hàng Việt sản phẩm đẳng cấp cùng mức giá hợp lý, VinFast đang phải chịu lỗ tới 300 triệu mỗi xe. Để có thể phát triển thương hiệu ôtô Việt, nỗ lực riêng của doanh nghiệp có lẽ là chưa đủ.
Tết cận kề, tính chuyện mua ôtô là điều vợ chồng anh Nam, chị Hồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường nói tới trong các bữa ăn. Theo bàn bạc, gần Tết, cả hai vợ chồng sẽ có một khoản thưởng, cộng thêm tiền tiết kiệm là được 300 triệu đồng. Anh Nam từ lâu đã rất thích và ao ước mua một chiếc VinFast Fadil nên bàn với vợ việc mua xe.
Nếu mua xe, vợ chồng anh sẽ phải vay thêm khoảng 170 triệu, bởi giá bán xe là 395 triệu đồng, cộng thêm phí trước bạ, cấp biển số… sẽ tăng lên mức 470 triệu đồng (cho bản tiêu chuẩn). Đổi lại, vợ chồng anh sẽ có một chiếc xe vừa đủ cho 4 thành viên, có thể về quê ăn Tết, đưa con cái đi học, thăm họ hàng, gia đình…
Theo nhiều chuyên gia tài chính, những cặp vợ chồng như anh Nam, chị Hồng có lẽ sẽ chẳng phải vay thêm tiền để mua xe nếu ôtô không phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí. Ngay cả một thương hiệu ôtô Việt như VinFast cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, dòng VinFast cao cấp hơn đang phải cõng tới hơn 400 triệu tiền thuế.
Doanh nghiệp này cho biết họ chấp nhận lỗ để khách hàng có giá xe tốt nhất, cũng như nuôi dưỡng thương hiệu ôtô Việt đầu tiên.
Khi mới trình làng, VinFast đưa ra chính sách giá “3 không cộng ưu đãi”, tức là không tính chi phí khấu hao, không tính chi phí tài chính (lãi phải trả của các khoản vay để đầu tư xây dựng nhà máy, vốn lưu động…) và không tính lãi của công ty, đồng thời ưu đãi thêm để hỗ trợ khách hàng. Khi đó, chiếc VinFast phân khúc hạng A là Fadil có giá rất cạnh tranh trên thị trường với mức khởi điểm 336 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi tính thuế VAT, giá lăn bánh, chi phí bỏ ra với người tiêu dùng bị đội lên khá nhiều. Sau đó, giá xe tăng lên 395 triệu đồng theo đúng lộ trình mà nhà sản xuất thông báo, giá lăn bánh cho bản tiêu chuẩn bị đội lên 470 triệu đồng. Như vậy, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra một khoản chênh lệch là 75 triệu đồng sau khi sở hữu xe (đã bao gồm thuế VAT).
Các khoản phí phải trả trước khi lăn bánh gồm: phí trước bạ, phí kiểm định, phí lấy biển số mới, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, phí bảo trì đường bộ và các khoản phí khác.
Không những vậy, ở góc độ sản xuất, việc áp thuế cao với linh kiện sản xuất trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt… đã khiến giá xe ở Việt Nam cao so với thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, có 3 loại thuế tác động lớn đến giá bán ôtô là thuế nhập khẩu (với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
Hiện thuế nhập khẩu cho các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô ở mức 5-20% tùy thuộc bộ linh kiện. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp dụng từ 35% đến 150% tùy thuộc dung tích động cơ, bên cạnh 10% VAT. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10-20% cũng sẽ được tính vào giá xe.
Như vậy, nếu lấy ví dụ một chiếc xe có giá bán ban đầu 800 triệu đồng (dung tích từ 1.5L đến 2.0L), nếu tính thuế VAT, giá xe sẽ đội lên 880 triệu đồng. Khi đi vào sản xuất, ngoài linh kiện có thể nội địa hóa, một số linh kiện khác vẫn phải nhập khẩu khiến xe vẫn chịu thuế nhập khẩu linh kiện.
Với giá bán của nhà sản xuất là 800 triệu đồng thì chiếc xe này phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt là 228 triệu đồng. Các hãng xe cho rằng họ chỉ là trung gian “thu hộ” những khoản thuế này cho Nhà nước.
Là người có thời gian dài công tác tại Thái Lan, anh Đỗ Đình Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết sau khi về lại Việt Nam đã phải miễn cưỡng bỏ thói quen đi ôtô vì đắt đỏ. Anh cho biết ở Thái Lan, một chiếc xe có dung tích 1.5L đến 2.0L thường được bán với giá quy đổi ra tiền Việt khoảng trên dưới 400 triệu đồng. Tuy nhiên, những loại xe này ở Việt Nam thường bán với giá 700-900 triệu đồng, nghĩa là gấp đôi.
Giá xe ở Thái Lan rẻ, việc thuê xe cũng rất dễ dàng và phải chăng. Anh Hải chọn cách thuê một chiếc xe cho cả gia đình dễ dàng di chuyển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc thuê xe cũng đắt đỏ vì bản thân giá xe đã khá cao. Anh chọn loại phương tiện khác cho hợp với tình hình giao thông và giá cả ở Việt Nam.
Theo anh Hải, việc ôtô ở Việt Nam phải “cõng” rất nhiều khoản thuế, phí khiến người tiêu dùng có phần thiệt thòi. Nhất là khi thu nhập của người Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp ở Đông Nam Á.
Ở góc độ nhà sản xuất xe hơi, mới đây, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Phó tổng giám đốc VinFast, đã lần đầu tiên công bố giá thành sản xuất. Mức giá cho thấy để sở hữu một chiếc xe nội địa, người tiêu dùng vẫn phải gánh rất nhiều khoản thuế, phí đi kèm.
Theo bà Vân Anh, khi nhìn vào bảng tính, chiếc xe VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại là 980,6 triệu đồng. Trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí: nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý…
Phần tiếp theo là 412,1 triệu tiền thuế nộp cho Nhà nước. Khoản này bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu thuế).
“Với 412,1 triệu tiền thuế phải gánh, giá bán chiếc Lux A2.0 lên mức 1,392 tỷ đồng. Và đây là mức hoàn toàn chưa tính chi phí khấu hao, chi phí tài chính và chi phí đầu tư cũng như chưa hề có đồng lợi nhuận nào khi áp dụng chính sách 3 không”, bà Vân Anh chia sẻ.
Phó tổng giám đốc VinFast cho biết hãng đang bán ra cho khách hàng chỉ 1,099 tỷ đồng/xe vì vẫn đang áp dụng chính sách 3 không cộng ưu đãi. Như vậy, VinFast đang chấp nhận lỗ gần 300 triệu đồng/xe.
“Khoản lỗ này bị cắt thẳng vào túi của chúng tôi vì 412,1 triệu đồng tiền thuế là khoản bất di bất dịch phải nộp, chiếm đến gần 50% giá xe thực tế. Nếu con số này giảm bớt được thì giá xe sẽ còn tốt hơn nhiều. Có thể khẳng định với chất lượng châu Âu, mức giá hiện tại của VinFast được giới chuyên môn đánh giá là cực kỳ có lợi cho người tiêu dùng”, lãnh đạo VinFast nói.
Là thương hiệu xe Việt đầu tiên, nhưng lãnh đạo VinFast cho biết doanh nghiệp không nhận được bất cứ sự hỗ trợ đặc biệt nào từ Nhà nước, ngoài các chính sách chung như mọi doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ôtô tại Việt Nam được hưởng.
Vị này nhấn mạnh VinFast vẫn đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với Nhà nước, bao gồm các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… cùng các loại chi phí khác.
Dù chịu lỗ tới 300 triệu đồng mỗi chiếc xe bán ra, bà Vân Anh cho biết VinFast vẫn tiếp tục theo đuổi khát vọng xây dựng một thương hiệu ôtô Việt Nam nổi tiếng thế giới. VinFast không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng xe hơi trong nước, mà còn hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế, làm cho thế giới biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp và trở thành niềm tự hào của đất nước.
“Khách hàng của chúng tôi xứng đáng được hưởng mức giá tốt nhất, vì họ đã trao cho VinFast sự tin tưởng ngay khi dự án còn trứng nước. Do đó, chúng tôi sẽ tri ân họ ở mức tối đa ngưỡng mà doanh nghiệp có thể chịu được”, bà nói.
Lãnh đạo VinFast nhắc đến từ “thắt lưng buộc bụng” để chia sẻ về nỗ lực và khát vọng phát triển thương hiệu ôtô Việt.
Cụ thể, một mặt, toàn hệ thống Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast. Vingroup đã bán bớt các cổ phần của mình và các công ty con… để có đủ nguồn lực tài chính.
Mặt khác, VinFast đang nhanh chóng tăng tỷ lệ nội địa hóa của mình để giảm đáng kể chi phí đầu vào. Theo đó, hãng xe Việt đã tự sản xuất được một phần động cơ và phần lớn thân vỏ, nên giảm được đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, VinFast cũng đã nội địa hóa thêm nhiều linh kiện khác như hộp số, cầu trước, cầu sau, các linh kiện thân vỏ, ghế xe, ốp nội thất…
“Với các linh kiện buộc phải nhập, chúng tôi đã đàm phán được với các nhà cung cấp để được giá tốt nhất”, bà Vân Anh nói.
Về chi phí quản lý, ngay sau khi tiến hành sản xuất hàng loạt và giao xe cho khách hàng (SOP) vào tháng 7, VinFast đã chủ động tối ưu hóa các quy trình sản xuất, qua đó giảm đáng kể chi phí sản xuất và chi phí quản lý.
VinFast vẫn đang tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa việc hình thành và phát triển khu công nghiệp phụ trợ ngay trong tổ hợp sản xuất VinFast, qua đó từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tạo ra một chuỗi giá trị cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.
Doanh nghiệp này cũng đã thành lập các Viện nghiên cứu thiết kế ôtô (đặc biệt là ôtô điện), Viện nghiên cứu thiết kế xe máy điện, Viện nghiên cứu pin (bao gồm cả nghiên cứu phát triển cell pin và đóng gói), Viện nghiên cứu công nghệ điều khiển xe thông minh – tự lái… để tăng hàm lượng chất xám Việt và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Mục tiêu của VinFast không chỉ nhằm giảm giá xe, mà còn thực hiện bằng được sứ mệnh của một doanh nghiệp dẫn dắt và truyền cảm hứng trong lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy điện, qua đó góp phần xây dựng và thúc đẩy ngành công nghiệp nước nhà cùng phát triển. Tuy nhiên, chỉ mình nỗ lực của doanh nghiệp là không đủ. Về lâu về dài, hãng xe Việt vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp của Nhà nước.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận chính sách thuế đang ưu đãi hơn cho xe nguyên chiếc nhập khẩu so với linh kiện nhập khẩu. Chính sách này chưa thực sự tạo thuận lợi, khuyến khích cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Vị này cho biết sẽ đề xuất ban hành các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp ôtô.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cũng cho rằng cần thiết phải sửa đổi chính sách thuế cho phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô có thể cạnh tranh được.
Từ góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng: “Về phía Nhà nước, nếu để doanh nghiệp đi tiên phong gặp khó khăn đến mức phải rút ra khỏi thị trường thì sẽ làm hỏng nỗ lực đưa đất nước thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Theo: Zing News
Comments are closed.