Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải mới đây đã công bố thông tin về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (đại diện sở hữu vốn Nhà nước) đã tăng vốn sở hữu tại bệnh viện này từ 32,73% lên mức 71,18%.
Nguyên nhân của sự thay đổi này do vốn chủ sở hữu của bệnh viện đã tăng thêm 223 tỷ đồng khi tiến hành xác định lại giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.
Cùng với việc cổ đông Nhà nước tăng vốn góp, phần vốn sở hữu của cổ đông lớn – Tập đoàn T&T đã bị giảm tỷ lệ từ 51,43% xuống 22,07% dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không thay đổi.
Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn của ông bầu Đỗ Quang Hiển đã không còn là cổ đông lớn nhất, chi phối hoạt động của bệnh viện nói trên.
Trước đó, dự án ODA tòa nhà Bệnh viện Giao thông Vận tải được nghiệm thu và đưa vào khai thác từ tháng 5/2015. Trong đó, giá trị tạm tính phần khối lượng xây dựng cơ bản dở dang để xác định giá trị doanh nghiệp tại ngày 30/6/2014 là 55,046 tỷ đồng.
Đến năm 2017, sau khi bệnh viện này chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập sang hình thức công ty cổ phần, dự án ODA tòa nhà bệnh viện được quyết toán chính thức với giá trị 293,919 tỷ đồng, chưa giảm trừ phần tạm tính khối lượng xây dựng cơ bản dở dang.
Tại biên bản ngày 15/2/2017 về việc “kiểm tra quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, chi phí cổ phần hóa, chi phí lao động dôi dư, xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển đổi sở hữu của Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải” đã xác định lại giá trị phần vốn Nhà nước ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng thêm 223,459 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư Tập đoàn T&T giảm xuống tương ứng còn 22,07%.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển chính thức đầu tư vào Bệnh viện Giao thông Vận tải từ cuối năm 2015 khi tham gia vào phiên đấu giá công khai vốn sở hữu của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ bệnh viện cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải bán cho T&T trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược.
Ông Hiển sau đó cũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty.
Tuy nhiên, dù được cổ phần hóa và về tay bầu Hiển nhưng tình hình kinh doanh của bệnh viện những năm gần đây không mấy khả quan. Trong 2 năm gần nhất (2017-2018), bệnh viện này đạt tổng cộng 366 tỷ đồng doanh thu nhưng lại lỗ ròng sau thuế hơn 64 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là việc hoạt động kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp không đủ bù đắp chi phí vận hành. Nửa đầu năm nay, bệnh viện này tiếp tục báo lỗ sau thuế thêm gần 16 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 lên mức 107 tỷ đồng.
Từng nuôi tham vọng đầu tư vào nhiều bệnh viện thuộc sở hữu của Bộ Giao thông Vận tải hơn nữa, nhưng đến tháng 4/2018, T&T đã có văn bản xin thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào HĐQT, Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Nguyên nhân muốn thoái vốn được phía T&T cho biết tại thời điểm đầu tư vào Bệnh viện giao thông vận tải, cổ đông Nhà nước đã có cam kết lộ trình sẽ để cổ đông chiến lược nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, sau đó chiến lược cổ phần hóa lĩnh vực y tế bị dừng lại và chủ trương không để tư nhân chi phối tại các bệnh viện đã cổ phần hóa nên quyết định sau khi tính lại vốn ODA tỷ lệ sở hữu của T&T tại đây mới giảm xuống.
Trong trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần trước thời hạn trên thì phải được đại hội đồng cổ đông chấp nhận.
Theo: Zing News
Comments are closed.