Bắt đầu từ công việc sửa chữa, dần dần nhờ có tay nghề cao, nhiều người thợ ở Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) đã tự đóng được những con tàu có sức chứa 50 tấn phục vụ ngư dân.
Nhắc tới công việc đóng tàu gỗ phục vụ ngư dân ra khơi đánh cá ở miền Bắc, bên cạnh làng nghề trăm tuổi ở Hải Phòng thì thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cũng là nơi phát triển nghề này đã nhiều năm.
Làng nghề đóng tàu nằm ở phía nam huyện Giao Thủy, giáp cửa Hà Lạn là nơi sông Sò (một nhánh của sông Hồng) hòa mình với biển Đông, xã Giao Lâm xưa (tiền thân của thị trấn Quất Lâm) chỉ có nghề làm muối và đi thuyền. Có hai dạng đi thuyền, một là lênh đênh trên những con sóng bạc để khai thác tôm, cá biển hoặc ngược xuôi trên những nhánh sông để buôn bán các loại hàng hóa khắp các vùng, miền.
Các cụ cao niên cho biết nghề đóng tàu gỗ ở Quất Lâm xuất hiện từ gần trăm năm nay, bắt đầu từ việc sửa chữa, khắc phục những chiếc thuyền hỏng trong quá trình sử dụng (tải trọng từ 2-3 tấn). Nam Định vốn không có rừng, trước đây chỉ có thuyền gỗ. Dân sông nước Giao Thủy đều phải đi đóng tàu ở các địa phương khác. Sau một thời gian sử dụng, do thường xuyên bị ngâm nước, nhiều tàu bị hở mối ghép phải kéo lên bờ để sửa chữa.
Sự sáng tạo và cần cù của người dân vùng biển đã giúp những người thợ lành nghề phát triển thành nghề đóng tàu. Ngày nay, họ có thể sản xuất được những chiếc tàu gỗ trọng tải trên 50 tấn, chịu được sóng gió cấp 8-10.
Những ông thợ lão làng
Đến Quất Lâm vào những ngày đầu tháng 4, nắng không quá gắt, thời tiết khá mát mẻ. Lòng vòng một lúc, hỏi han người dân, phóng viên tới được hai cơ sở đóng tàu gỗ lúc trời đã nhá nhem tối. Lúc này những người thợ bắt đầu nghỉ ra về.
7h sáng hôm sau, cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Thông đã vang dội những tiếng cưa, tiếng đục gỗ pha lẫn những tiếng chuyện trò rộn rã. Gọi là cơ sở nhưng thực chất trông khu vực này khá đơn giản. Nơi nghỉ tay và sinh hoạt trong giờ là một cái lán nhỏ. Thời bao cấp, các lán ở đây gọi là HTX đóng tàu biển, nay họ đã thành lập thành các công ty riêng chuyên đóng mới và sửa chữa.
“Trước kia, ở thị trấn Quất Lâm có 2 lán đóng tàu, hiện nay phát triển thêm cơ sở nữa là 4. Số lượng cơ sở và tàu thuyền đóng mới tăng do nhu cầu đánh bắt của ngư dân trong vùng ngày càng lớn”, ông Thông nói.
Khoảng 2 năm trở về trước, tại lán của ông Thông, công nhân làm việc liên tục, số lượng người gấp 3 lần hiện giờ mà việc làm nhiều không xuể, có ngày họ cùng lúc đóng tới 10 con tàu. Nhưng năm nay, do quy định hạn chế số lượng tàu đóng mới, các cơ sở chủ yếu sửa chữa, bảo dưỡng tàu cũ.
Ông Nguyễn Văn Hảo đã có 41 năm trong nghề đóng tàu. |
Những thợ đóng tàu ở đây phần lớn đều cao tuổi, thuộc diện “lão làng” trong nghề. Những ai ít thâm niên thì học kinh nghiệm thực tiễn từ người làm trước. Việc đóng và sửa chữa tàu chủ yếu để phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy hải sản của ngư dân vùng biển.
Ở xưởng của ông Thông, người trẻ nhất cũng đã làm được 3 năm. Ông Nguyễn Văn Hảo (62 tuổi, nhà ở tổ dân phố Lâm Quý, thị trấn Quất Lâm) có thâm niên 41 năm trong nghề, là người làm lâu nhất trong đội thợ ở lán của ông Thông, cho biết từ đời ông nội, bố rồi chú, bác, anh chị em trong gia đình của ông, ai cũng theo nghề đóng tàu. “Trước kia không bị hạn chế được đóng nhiều tàu mới, có nhiều việc để làm. Giờ với tôi, đóng tàu chỉ là nghề tay trái thôi”, ông Hảo tâm sự.
Ông Hảo là người thân thiện, dễ tính và hay nói nhất trong lúc làm. Ông là người đầu tiên tiếp chuyện, hỏi han khi thấy sự xuất hiện của phóng viên ở cơ sở đóng tàu.
Những người thợ ở đây không nhớ chính xác mình đã đóng bao nhiêu con tàu. Người tuổi nghề ít nhất cũng đã hơn 100 chiếc, người già như ông Hảo, ông Quốc cũng phải xấp xỉ nghìn con. Trước khi gắn bó với nghề đóng tàu gỗ, có người đi theo tàu cá, có kẻ đi phiêu bạt khắp nơi làm nhiều nghề khác nhau. Sau này họ quay trở về quê hương, vừa làm nghề để trang trải chi tiêu, lại không phải đi làm xa, có cơ hội gần gia đình, nhờ đó mà cuộc sống cũng ổn định hơn.
Ông Nguyễn Đức Phùng không nhớ chính xác mình đã đóng bao nhiêu con tàu. |
Ông Nguyễn Tam Quốc (60 tuổi) thường vừa làm việc vừa hát. |
“Già” không kém ông Hảo là người thợ đã 60 tuổi Nguyễn Tam Quốc. Ông Quốc cũng gắn bó với đinh, với gỗ được 39 năm, nổi bật nhất trong nhóm công nhân bởi chiếc mũ bảo hiểm vàng và có giọng ca rất hay. Những câu hát vang lên mỗi khi tay đục tay đẽo phần nào làm giảm bớt nỗi mệt nhọc cho những người xung quanh, khiến tinh thần làm việc của ông cũng hăng say hơn.
Song song với đóng mới, sửa chữa và bảo dưỡng tàu cũ cũng rất được các chủ tàu chú trọng. Ông Vương Văn Tụ (50 tuổi), ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định là người chuyên hàn nắn chân vịt. Ông Tụ đã có 26 năm kinh nghiệm làm nghề và tự hào khi một mình phụ trách mảng của mình cho hai huyện Hải Hậu và Giao Thủy.
Không thể nhớ được đã từng đóng bao nhiêu chiếc tàu, từng hàn nắn bao nhiêu cái chân vịt, trải qua bao nhiều thăng trầm nhưng những người thợ “già” vẫn ngày ngày gắn bó với nghề, cố gắng gìn giữ nghề không bị mai một.
Nghề nhọc nhằn, tỉ mỉ và công phu
Những chiếc áo đẫm mồ hôi, những bàn tay chai sạn, những khuôn mặt rám nắng vì năm tháng với nghề. Khi có việc để làm thì ngày nào cũng như ngày nào, 8 tiếng mỗi ngày từ 7h sáng tới xế chiều mới nghỉ ngơi. Lương của họ được chia theo 2 mức, mới vào làm được 210.000 đồng/ngày, làm lâu năm được 250.000 đồng/ngày, chỉ đủ trang trải cuộc sống, chi tiêu cho gia đình.
Người thợ nào ở đây cũng cho rằng đóng tàu gỗ là một nghề vất vả. Nhưng khi được hỏi lý do tại sao lại chọn công việc này, anh Đạt, người mới vào làm được 3 năm, cười nói: “Làm ở quê cho gần vợ gần con”.
Không chỉ vất vả, nhọc nhằn, nghề đóng tàu gỗ còn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu của người thợ. Một con tàu được sản xuất và hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều thời gian mới có thể cùng ngư dân ra biển khơi.
Những thanh gỗ được bẻ cong nhờ hun trên lửa ôm gọn những khối gỗ nhấp nhô dựng thẳng đứng tạo cho thành tàu sự chắn chắn cần thiết. Trên dưới 35 khối là số lượng gỗ cần cung cấp để đóng hoàn chỉnh một chiếc tàu. Gỗ dùng để đóng tàu là gỗ táu hoặc gỗ nghiến, phải nhập khẩu từ nước ngoài như Lào, Indonesia hoặc Nam Phi. Để thêm phần chắc chắn, giữa những khối gỗ dựng dọc có gắn kèm miếng gỗ nhỏ, gọi là “táp”.
Sau khi khoan lỗ trên “táp”, thợ dùng một loại đinh nhọn để cố định vị trí. Đinh chuyên dùng cho đóng tàu dài khoảng 20 cm. Số lượng đinh dùng để đóng một con tàu là khoảng 4.000 chiếc. Trước khi bắt đinh vào lỗ khoan sẵn, người thợ trát vôi trầu vào để chống gỉ. Để tránh nước tràn vào, họ dùng phoi tre bịt kín các khe hở ở thành tàu. Giữa tàu có cắm một cái đinh buộc dây nối với đuôi tàu để đảm bảo sự cân bằng. Công việc đo đạc diễn ra thường xuyên để đảm bảo sự chính xác nhất.
Tàu của anh Nguyễn Xuân Bắc đã hoàn tất thủ tục để lên đường ra khơi. |
Kích cỡ truyền thống của một con tàu loại 300-350CV có chiều dài 15 m; bề mặt rộng 4,1-4,2 m; chiều cao gần 2 m có trọng lượng khi hạ thuỷ từ 27-30 tấn, tàu công suất 500CV trở lên có chiều dài hơn 25 m, chiều rộng 7 m, trọng lượng 40-50 tấn, giá thành khi bán hơn 1 tỷ đồng. Khách hàng chính là các ngư dân hoặc các ông chủ muốn đầu tư kinh doanh.
Sau khi lắp ghép xong các bộ phận và vỏ tàu, phải bào sửa để đảm bảo độ cong đều và nhẵn. Các đầu đinh, bu lông đều được luyện với hồ hoặc bịt bằng nhựa đường nóng chảy. Trải qua rất nhiều công đoạn con tàu mới được hoàn thành. Trước khi được đưa vào sử dụng, tàu phải chờ người đến đăng kiểm, đo đạc, ghi thông tin rồi mới được phép hạ thủy.
Khoảng 6 tháng một lần, các chủ tàu lại đem tàu đi “làm đẹp, tân trang” do thời tiết làm sơn bị bong tróc, bạc màu, đáy thuyền bị hà bám. Phóng viên gặp ông Nguyễn Đức Cường đang lúi húi sơn sửa cho con tàu của mình. Ông cho biết tàu cần sơn lại phần khoang và hai bên cạnh thuyền, đáy thuyền thì cạo sạch hà và sơn loại chống hà. “Sơn tàu phải sơn mỏng nếu không lớp sơn sẽ rộp ra, bong tróc. Tàu sửa chữa sẽ theo lạch nước đi vào đường ray xây sẵn ở các lán đóng tàu”, ông Cương chia sẻ.
Do có tiếng tăm từ lâu nên ngư dân ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đánh tàu về Quất Lâm sửa khá nhiều.
Tàu của ông Cường cũng phải hàn lại cánh quạt ở chân vịt. Chân vịt nặng khoảng 2 tạ, được đặt đúc mang từ TP.HCM ra, giá khoảng 35-50 triệu đồng/chiếc. Giá thành khá cao nên các chủ tàu thường hàn nắn lại mà không thay mới.
Những phút giây giải lao sau mỗi buổi làm của người thợ đóng tàu. |
Tàu mới nhanh chóng ra khơi và trở về
Có những tàu hạ thủy xong đã nhanh chóng ra biển khơi để đánh bắt. Họ đi từ chiều tối hôm nay tới chiều tối hôm sau mới về.
Cứ khoảng 15h ngày hôm sau, tại bãi đậu, những con tàu chở đầy cá tôm từ khơi xa vào đất liền liên tiếp cập bến. Người dân mua buôn ào ạt lên tàu, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, sống động. Hết tàu này tới tàu khác, đậu kín cả một bờ đê.
Với lịch sử hình thành, nghề đóng tàu cá vỏ gỗ ở Quất Lâm đã góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu của ngư dân địa phương vươn khơi bám biển khai thác thủy hải sản và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 200.000-300.000 đồng/người/ngày. Nhờ có những người thợ đóng tàu mà nghề đánh bắt thủy hải sản mới phát triển mạnh. Nói không ngoa, nghề đóng tàu gỗ chính là “anh hùng thầm lặng” ở đất Nam Định này.
Trong những cái bắt tay thật chặt trước lúc tạm biệt, phóng viên cảm nhận được niềm tự hào của những người thợ kiến tạo nên những con tàu, giúp ngư dân vững lòng bám biển. Bởi từ chỗ làm nghề chỉ để lo miếng cơm manh áo, nay mỗi người thợ đóng tàu ở những làng biển như những chiến sĩ bảo vệ ngư trường, biển đảo vì họ đã đồng hành tiếp sức cho ngư dân.
Theo: Zing News
Comments are closed.