Câu nói của doanh nhân Lê Vĩnh Sơn – nhà sáng lập, kiêm CTHĐQT Tập đoàn Sơn Hà đang dần trở thành hiện thực khi thương hiệu này trở thành cái tên quen thuộc với mọi gia đình Việt.
Sơn Hà của ngày hôm nay mang tầm vóc một tập đoàn sản xuất gia dụng và công nghiệp hàng đầu Việt Nam, với 13 công ty thành viên, 10 nhà máy trong nước và tại châu Á, mạng lưới hơn 20.000 nhà phân phối, xuất khẩu tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà – người đã “phủ kín” hơn 5 triệu bồn nước inox trên các mái nhà Việt Nam, xoè bàn tay mình và nói: “Khi anh em tôi tự tay gò hàn nên những chiếc bồn nước đầu tiên mang thương hiệu Sơn Hà, lúc đó giấc mơ hoang đường đến mấy cũng không thể tin được 20 năm sau, mình đi được quãng đường xa đến thế”.
“Người truyền nghề cho chúng tôi là ông ngoại, một thợ cả trên phố Hàng Thiếc. Khi dạy hai đứa trẻ cách cầm búa, ông tôi chỉ tâm niệm rằng người đàn ông trưởng thành phải biết một thứ nghề”, nhà sáng lập Tập đoàn Sơn Hà bắt đầu câu chuyện bằng hồi tưởng ký ức…
– Vào tuổi 20, chàng trai Lê Vĩnh Sơn có chiến lược kinh doanh gì khi khởi nghiệp với vốn nghề gia truyền tiếp nhận từ ông ngoại?
– Lúc đó, tôi đâu có khái niệm gì về kinh doanh. Nhà ở phố Hàng Thiếc nhưng lại trong ngõ nên không thể mở cửa hàng. Với toàn bộ vốn liếng là 2,5 triệu đồng, tôi ra khu vực ven đô thuê đất và tìm thợ để mở tiệm gò hàn. Bắt đầu là độ thùng tôn đựng hàng từ Liên Xô (Nga) về thành bể nước treo ở các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân… Bước đầu thành công, tôi nhìn cuộc đời đơn giản và đầy hy vọng.
Năm 1997, tôi vét hết số tiền mình có để đi Đài Loan, nhằm xem bên đó người ta làm gì. Lần đầu tiên nhìn thấy một đất nước khác, tôi choáng ngợp khi thành phố Cao Hùng hiện ra như dát bạc, hoá ra đó là hiệu ứng của bạt ngàn bồn nước inox xếp trên những mái nhà. Tôi bừng tỉnh: “Tương lai Hà Nội rồi cũng như Cao Hùng này, mình phải trở về Việt Nam để tiếp tục gắn bó với nghề”. Lúc đó tôi có niềm tin chắc chắn rằng nghề đã chọn tôi và cho tôi một hướng đi với đích đến rõ ràng: Là người làm bồn nước inox.
Năm 1998, ở tuổi 24, tôi thành lập Công ty Cơ kim khí Sơn Hà. Tên công ty được ghép giữa tên tôi và em trai Lê Hoàng Hà. Không ngờ, cái tên đó là định mệnh về giấc mơ sau này của chúng tôi: Xây dựng một thương hiệu của quốc gia, một nhà sản xuất 100% Việt Nam.
– Những ngày sơ khai của Sơn Hà có thuận lợi như kỳ vọng của vị giám đốc tuổi đôi mươi không thưa ông?
– Các cửa hàng đầu tiên của Sơn Hà rất nhỏ, vừa là nơi bán hàng, vừa là xưởng gia công sản xuất. Chúng tôi đi đến đâu cũng chỉ trụ được hơn một tháng là bị chủ nhà đòi cửa hàng vì tiếng gõ của thợ gò bồn quá khủng khiếp. Vì vậy, địa điểm đặt nhà xưởng phải đáp ứng được tiêu chí quan trọng đầu tiên là chịu được tiếng gõ.
Trung tâm chiếu phim Quốc gia cho chúng tôi mượn mặt ao rau muống vốn là bãi rác Thành Công, chủ thợ cùng nhau đổ đất dọn lán dựng lều. Ngày khai búa, xung quanh bức tường rào có hàng chục bàn tay bám vào và những đôi mắt dõi nhìn tò mò, hoá ra là dân nghiện khu bãi rác ghé thăm để tính xem sẽ “nhảy đồ” thế nào. Chúng tôi cứ gõ tưng bừng hết công suất, rồi đám nghiện cũng không chịu nổi, sợ quá tự bỏ đi hết.
Khi Trung tâm chiếu phim Quốc gia chính thức xây dựng, Sơn Hà phải di chuyển vào Trại gà Phú Diễn để “lập ấp” trong khu chuồng gà bỏ hoang rộng 1.000 m2.Nhẫn nại trong các khu xưởng ổ chuột,Sơn Hà cứ thầm lặng phát triển, những bồn nước inox phủ dần lên các mái nhà Hà Nội, rồi lan ra các tỉnh và thành phố khác. Năm 2001, Sơn Hà chuyển nhà xưởng về 360 Giải Phóng, tại đây chúng tôi bắt đầu sản xuất quy mô bài bản, thế hệ bồn dập đầu tiên ra đời, đầu tư ngành sản xuất ống thép là tiền thân của ống công nghiệp Sơn Hà, chính thức mở ngành sản xuất chậu rửa…
– Sau 20 năm phát triển, tầm nhìn của Sơn Hà đã thay đổi như thế nào để có thể chinh phục những thị trường xuất khẩu khó tính?
– Tôi đã thử đầu tư vào những ngành nghề khác như bất động sản, bán lẻ… nhưng bị thất bại, nhận về rất nhiều cay đắng. Tôi nhận ra chỉ những sản phẩm mình tự sản xuất, do bàn tay khối óc của người Sơn Hà làm, mang tinh thần và giá trị cốt lõi của Sơn Hà – mới có thể phát triển bền vững.
Muốn thành công nhanh phải có nền tảng sản xuất tiên tiến, áp dụng sáng kiến của đội ngũ chuyên gia quốc tế, các nhà chuyển giao công nghệ nước ngoài. Công thức đó được áp dụng từ ống công nghiệp inox đến các dự án 4.0 về năng lượng tái tạo và giải pháp môi trường. Khi Sơn Hà tìm đường xuất khẩu cho ống inox, chúng tôi quyết tâm phấn đấu đạt được những chứng chỉ khắt khe nhất của quốc tế, từ bước đà đó, Sơn Hà sẽ dễ dàng quay lại chinh phục thị trường trong nước.
– Tầm nhìn này đã mang đến thành công gì cho Sơn Hà, thưa ông?
– Ống inox Sơn Hà là thương hiệu duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ PED, đủ điều kiện gia nhập những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Đã có thời điểm tại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Sơn Hà đạt 70 triệu USD/năm.Năm 2015, Sơn Hà chính thức vào thị trường Ấn Độ, trở thành thương hiệu ống thép công nghiệp số 1 tại thị trường hơn 1 tỷ dân, chiếm thị phần ống công nghiệp nhập khẩu lớn nhất tại Ấn Độ.
Hiện tại, ống công nghiệp của Sơn Hà vẫn đang chinh phục và tìm kiếm những thị trường mới như Nga và châu Đại dương. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường trong nước, bởi Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng mà Trung Quốc, Đài Loan tích cực xâm lấn. Sơn Hà xác định sẽ bước vào cuộc đua đó với tâm thế kiêu hãnh của một nhà sản xuất 100% Việt Nam. Chúng tôi có lợi thế là công ty duy nhất cam kết bảo hành sản phẩm lên tới 12 năm. Tất cả khiếu nại, phản hồi từ phía khách hàng đều được giải quyết trong 48 tiếng.
– Nếu dùng một câu để nói lên cam kết của Sơn Hà trong giai đoạn này, ông sẽ chọn thông điệp gì?
– Những ngày đầu gây dựng Sơn Hà, chúng tôi chọn cam kết “xây chất lượng, dựng niềm tin” làm kim chỉ nam. Giá trị của một thương hiệu cuối cùng là niềm tin mà khách hàng dành cho mình, sản phẩm và dịch vụ của mình phải đủ tốt, đủ đem lại sự hài lòng và tin yêu cho khách hàng.
– Ông muốn Sơn Hà đưa ra một định nghĩa mới về niềm tự hào của nền sản xuất nội điạ, là kết tinh giá trị của bàn tay, khối óc và năng lực tự sản xuất của người Việt. Giấc mơ ấy nếu cụ thể bằng doanh số thì sẽ thế nào?
– Sơn Hà phải đi đến con đường đạt doanh thu 1 tỷ USD/năm. Tôi không biết lúc nào chúng tôi đạt được điều đó. Nhưng đã có những doanh nghiệp sản xuất trong nước làm được hơn thế, sức mạnh của nền sản xuất nội địa là có thật. Cứ kiên trì đặt mục tiêu, và không bỏ cuộc, chúng ta sẽ đến đích. Tôi cần tìm ra được con đường đi đến doanh nghiệp tỷ đô. Và biết đâu khi tới đích, có giấc mơ khác lại được sinh ra, vì tôi không bao giờ giới hạn ao ước của mình.
Sơn Hà đang phát triển với quy mô ngày càng lớn mạnh với đích đến bền vững. Ngày hôm nay chúng tôi đang là mặt hàng tiêu dùng, sau này, sản phẩm của Sơn Hà sẽ cao cấp và mang hàm lượng công nghệ nhiều hơn.
Sơn Hà hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống hiện đại như môi trường, năng lượng tái tạo. Tôi muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước và đồng bào mình, Sơn Hà phải là thương hiệu quốc dân, tài sản quốc gia, niềm tự hào của nền sản xuất trong nước. Ngày hôm nay tôi có thể tự tin nói rằng sản phẩm của Sơn Hà là bạn thân của mỗi ngôi nhà Việt, nhưng sau này tài sản của Sơn Hà là giá trị tinh thần, nó bền vững và phải là thương hiệu tự hào của người Việt Nam.
Theo: Zing News
Comments are closed.