Kinh tế Trung Quốc có thể đang tăng trưởng chậm lại, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn sẽ vượt Mỹ để lần đầu tiên trở thành thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới năm 2019.
Doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc sẽ vượt mốc 5.600 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn 100 tỷ USD so với Mỹ. Những số liệu này dựa trên báo cáo được công ty nghiên cứu eMarketer công bố hôm 23/1.
Bán lẻ Trung Quốc tăng trưởng chậm nhưng vẫn nhanh hơn Mỹ
Sự tăng trưởng tài sản của người Trung Quốc cùng tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh chóng là những nhân tố đóng góp vào sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán lẻ tại đất nước có gần 1,4 tỷ dân.
“Những năm gần đây, thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc đang tăng nhanh. Hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Kết quả là sức mua và chi tiêu trên đầu người đều tăng trưởng mạnh”, Monica Peart, Giám đốc cấp cao của eMarketer, cho biết.
Dự đoán của eMarketer nhấn mạnh sự quan trọng ngày một lớn của Trung Quốc trong vai trò một thị trường màu mỡ đối với các thương hiệu quốc tế ngay cả khi tăng trưởng của quốc gia này không cao như trước. Trong thực tế, Trung Quốc đã là thị trường ôtô và smartphone lớn nhất thế giới.
Khoảng cách giữa thị trường bán lẻ Trung Quốc và Mỹ sẽ còn nới rộng hơn trong những năm tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ của Trung Quốc được eMarketer dự báo vẫn sẽ lớn hơn Mỹ đến ít nhất năm 2022.
Lĩnh vực bán lẻ Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn nhanh hơn Mỹ. Ảnh: CNN. |
Hai công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và JD.com đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bùng nổ này. Hơn 35% giá trị giao dịch mua sắm trong năm nay, tương đương 2.000 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ diễn ra trên các kênh online. Con số này của Mỹ chỉ là 11%.
Trung Quốc là nơi khai sinh chiến dịch mua sắm “Ngày độc thân” 11/11, sự kiện thường niên của Alibaba với doanh thu lớn hơn cả Black Friday và Cyber Monday cộng lại.
Công ty của tỷ phú Jack Ma chiếm hơn phân nửa tổng số doanh thu mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo eMarketer, Alibaba đang đối mặt sự cạnh tranh ngày một lớn từ các đối thủ có quy mô nhỏ hơn như Pinduoduo.
Tương tự Amazon của Mỹ, những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc cũng mở rộng sang ngành công nghiệp bán lẻ truyền thống.
Một năm trước, Tencent, công ty mẹ của WeChat, cùng 3 doanh nghiệp khác đã đầu tư 5 tỷ USD vào Wanda, công ty lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực vận hành các trung tâm mua sắm. Tencent cũng là cổ đông lớn tại JD.com.
Năm 2017, Alibaba đã trả 2,9 tỷ USD để đổi lấy 36% cổ phần của tập đoàn bán lẻ Sun Art, được xem như Walmart của Trung Quốc.
Thế giới lo lắng quá mức về kinh tế Trung Quốc?
Không thể phủ nhận người tiêu dùng Trung Quốc đang cảm nhận ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Doanh số bán lẻ của thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ giảm còn 7,5% trong năm nay, so với mức 8,5% năm 2018, theo eMarketer.
Đầu tháng này, Apple đã cảnh báo các nhà đầu tư doanh số quý IV/2018 tại Trung Quốc sẽ thấp hơn dự đoán. Trong thư gửi cổ đông, Tim Cook cho rằng Apple đã bị ảnh hưởng từ sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc.
Apple thừa nhận doanh số iPhone tại Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại. Ảnh: TNW. |
Chi tiêu cho các mặt hàng như mỹ phẩm và trang sức cũng chịu cảnh tương tự. Lý do là người dân Trung Quốc đang cảm thấy khó khăn từ sự hạ nhiệt tăng trưởng của thị trường bất động sản và những khoản nợ đang tăng lên.
“Khi Trung Quốc mất đà tăng trưởng, chi tiêu của người dân cũng sẽ giảm xuống”, chuyên gia phân tích Michelle Lam của ngân hàng đầu tư Societe Generale nhận định.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại tỏ ra lạc quan hơn. “Tăng trưởng tiêu dùng có thể chậm lại, nhưng chúng ta đang lo lắng quá mức về về kinh tế Trung Quốc”, Tianjie He, kinh tế gia tại công ty nghiên cứu Oxford Economics, nêu quan điểm.
Ông Tianjie dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc sẽ không sụt giảm quá lớn và nhấn mạnh người tiêu dùng vẫn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước này.
Theo: Zing News
Comments are closed.