Ngày 29/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, 19 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu sẽ được “gom về một mối” do Siêu Ủy ban này quản lý. Trong số này bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), một doanh nghiệp đang quản lý vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cổ phần như Vinamilk, FPT, Bảo Việt hay Dược Hậu Giang…
Sau khi chịu sự quản lý của Siêu ủy ban, SCIC sẽ được giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao từ các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng nêu rõ các cơ quan chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cho ủy ban trong thời gian không quá 45 ngày kể từ ngày nghị định này và các quyết định chuyển giao có hiệu lực.
Ngoài SCIC, trong số 19 đơn vị được chuyển giao vốn về Siêu ủy ban còn có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Cùng với đó là 11 tổng công ty bao gồm Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VECX); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. |
Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017 vừa qua). Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là đầu mối duy nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại 19 doanh nghiệp này. Đồng thời sẽ là đầu mối tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp.
Cũng theo Nghị định, Siêu ủy ban này gồm 9 đơn vị trực thuộc, trong đó có 4 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu quản lý doanh nghiệp chia theo ngành, lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ và hạ tầng…
Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp, cũng cho biết ủy ban đã có kế hoạch cho giai đoạn 2018-2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung nhóm công việc như triển khai kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trên cơ cở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững….
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là đơn vị đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên được thành lập từ tháng 2 với ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch. Trước đó, ông Hoàng Anh là Bí thư tỉnh Cao Bằng.
Theo dự kiến, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước này chính thức ra mắt vào chiều 30/9.
Những tập đoàn, công ty Nhà nước nào sẽ tập trung về ‘siêu ủy ban’?Có 21 doanh nghiệp Nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, trong đó có cả SCIC, sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. |
Comments are closed.