Cắt giảm điều kiện kinh doanh, chỉ nói trên báo mà không thực hiện

Theo yêu cầu của Thủ tướng, mọi bộ ngành đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh hiện có trước ngày 15/8. So với thời hạn 30/10 trong Nghị quyết 01/2018, Thủ tướng đã yêu cầu rút ngắn hơn 2 tháng.

Nhiều chuyên gia đánh giá tiến độ “cởi trói” cho doanh nghiệp của các bộ ngành vẫn còn rất chậm chạp, chưa có sự đồng đều giữa các cơ quan. Điệp khúc “trên nóng, dưới lạnh” vẫn được nêu ra.

Công bố trên báo, truyền hình mà không thực hiện

Cách đây 2 ngày (12/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đã chủ trì buổi kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Cat giam dieu kien kinh doanh, chi noi tren bao ma khong thuc hien hinh anh 1
Các bộ ngành mới chỉ cắt giảm được 12,5% điều kiện kinh doanh so với mục tiêu 50%. Ảnh: Nguyễn Minh.

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực trạng rất nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được.

Ông cho rằng như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp.

Hiện tại các bộ, ngành đã rà soát, cắt giảm được 738 điều kiện, chiếm 12,5%. Như vậy, còn tới 2.690 điều kiện kinh doanh cần phải cắt giảm, thuộc trách nhiệm của 14 bộ ngành.

Theo Tổ công tác, đến đầu tháng 7, cá biệt có bộ chưa báo cáo Thủ tướng về phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

“Hiện tại, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng, trong giai đoạn soạn thảo là chủ yếu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đại diện Tổ công tác của Thủ tướng cho biết các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa có giải pháp tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện nay còn có 13 bộ có quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Mới có 4 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên gồm: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết một số danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cắt giảm, đơn giản hóa còn mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành; còn danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa có mã số HS; một số nhóm hàng hóa phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Ông cũng nhấn mạnh còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Đơn giản hóa mang tính đối phó

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nói rằng chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.

Cat giam dieu kien kinh doanh, chi noi tren bao ma khong thuc hien hinh anh 2
Không chỉ điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa có sự cải cách đột phá. Ảnh: Nguyễn Minh.

Lãnh đạo VCCI cho biết mới có một số bộ vào cuộc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh như Nông nghiệp vàp Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp có phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Ông đặt câu hỏi còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không có thông tin.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh tính cải cách trong các phương án rà soát, theo đánh giá của VCCI chưa thực sự triệt để. Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong luật.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thì cho rằng cần có sự quyết liệt hơn nữa trong hành động của các bộ, ngành. Ông nhấn mạnh cần một “áp lực” mạnh mẽ hơn nữa từ phía những người đứng đầu.

Chìa khóa để tạo được đột phá trong việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính được Chủ tịch VCCI đề xuất chính là giao cho các đơn vị độc lập làm, thay vì để các bộ ngành tự làm.

Ông cho rằng các bộ trưởng đang giao nhiệm vụ cắt giảm cho các vụ, cục, đây lại chính là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư xuất phát của điều kiện kinh odanh. Ông Lộc thẳng thắn nói những đơn vị nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực, và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình.

Cat giam dieu kien kinh doanh, chi noi tren bao ma khong thuc hien hinh anh 3
VCCI đề xuất nên giao cho cơ quan độc lập để cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: HC.

“Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Các phương án cải cách cần mang tính triệt để”, ông Lộc đề xuất.

Ông cũng cho rằng các bộ cần mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong luật, để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ cần tích cực tham vấn VCCI và các hiệp hội liên quan.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành cần làm nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng thông tin dự kiến Thủ tướng sẽ ban hành một Chỉ thị về công tác này, và yêu cầu thực hiện chậm nhất vào 15/8.

Cứ 5 lô hàng nhập về thì 1 lô phải kiểm tra chuyên ngành

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí phục vụ kiểm tra mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu vẫn còn lớn do kết quả kiểm tra lô hàng trước cùng loại không được thừa nhận.

Cứ 5 lô hàng doanh nghiệp nhập về thì 1 lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi, lô hàng đó được chứng minh không có rủi ro, doanh nghiệp hoạt động tốt, chấp hành kiểm tra tốt.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam là 76 giờ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá con số này “cao hơn đáng kể” so với mức bình quân của ASEAN-4 là 28 giờ.

Posted on Tháng Tám 13, 2018 in Tin tức

Share the Story

Back to Top