Theo Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm tương đối tích cực, công tác quản lý chi cũng được quản lý chặt chẽ. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Thu 651.700 tỷ đồng, chi 649.200 tỷ đồng
Trình bày báo cáo đánh giá công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tại Hội nghị trưc tuyến về tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) sáng nay (18/7), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều nguồn thu tăng so với cùng kỳ, như thu dầu thô tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 6,9%; thu nội địa tăng 15,5% so với cùng kỳ…
Trong khi đó, tổng chi NSNN nửa đầu năm ước đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán. Tương đương mức bội thu NSNN nửa đầu năm nay đạt 2.500 tỷ đồng.
Số thu NSNN nửa đầu năm ước khoảng 651.700 tỷ đồng, mức chi ngân sách cũng chiếm 649.200 tỷ đồng. |
Trong công tác thu NSNN nửa đầu năm, tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp hơn so yêu cầu dự toán. Như thu từ khu vực DNNN đạt 43,7% dự toán; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 47,8% dự toán.
Bộ Tài chính đã thực hiện trên 35.900 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm…; kiến nghị xử lý tài chính trên 7.200 tỷ đồng, đã thu nộp vào NSNN 4.600 tỷ đồng.
Bộ đề ra 10 nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2018. Trong đó, tập trung xây dựng thể chế chính sách, cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… Bộ cũng sẽ tổ chức tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…
Mỗi ngày chi gần 330 tỷ trả tiền lãi
Trong tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm trên 649.200 tỷ đồng thì hơn 70% là chi thường xuyên, tương đương 455.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển được đẩy mạnh, tăng 42% cùng kỳ với số chi hơn 130.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách cũng đã phải chi ra 59.300 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ lãi, tương đương mức tăng 6%. Với mức chi lãi này, tính ra mỗi ngày NSNN phải chi khoảng 330 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi vay.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm cũng đã phát hành 89.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay theo dự toán.
TP.HCM dự kiến thu ngân sách đạt khoảng 98% chỉ tiêu, do nhiều vướng mắc trên địa bàn. |
Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cũng trình bày những khó khăn đang gặp phải trong công tác thu, chi ngân sách trên địa bàn.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay thành phố dự kiến chỉ đạt hơn 98% chỉ tiêu thu ngân sách được giao trong năm 2018, do những khó khăn đang gặp phải.
Ông Tuyến thông tin thêm hiện nay mỗi năm TP.HCM tiếp đón hơn 15 đoàn kiểm tra chuyên ngành, trong đó có trường hợp một nội dung nhưng có tới 5-6 đoàn kiểm tra cùng thực hiện. Thời gian chuẩn bị, tiếp đón cũng ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của bộ máy.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ khó khăn về tình hình thu hút nhà đầu tư, do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch.
Hiện NSNN tỉnh hạn chế nên không có tiền giải phóng mặt bằng, và nhà đầu tư phải tự chi tiền để làm công tác này. Trong khi đó, cơ chế trước đây là giao đất thu tiền một lần, thì nay là cho thuê đất nên tiền giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã chi ra ban đầu lại được khấu trừ gần hết vào tiền thuê đất, vì thế Hậu Giang không thu được từ nguồn thu này.
Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ Tài chính xin vay 200 tỷ đồng để thực hiện đề án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư tham gia, từ đó tăng nguồn thu.
Trong khi đó, lãnh đạo TP. Hải Phòng cho hay 6 tháng đầu năm tỉnh này hoàn thành gần sát chỉ tiêu thu, chi ngân sách, nhưng địa bàn còn nhiều khó khăn do hạ tầng quá tải, giao thông, hệ thống cảng biển, nhiều nguồn lực chưa được đáp ứng kịp thời…
Bên canh đó, một số dự án có vốn ODA trên địa bàn đã sắp hết hạn, đề nghị sớm bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để phát triển hạ tầng, xây dựng kinh tế trọng điểm…
Comments are closed.