Bà Châu Kim Phụng, đại diện theo ủy quyền của Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Phú Hưng Long (Công ty Phú Hưng Long), đang gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông và Du lịch An Tín (Công ty An Tín), có địa chỉ tại 384 Hoàng Diệu, quận 4, TP.HCM về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo, Công ty An Tín nhận hợp đồng dịch vụ “chạy” dự án vào Khu công nghệ cao TP.HCM (Khu công nghệ cao) với mức phí 40 tỷ đồng, nhưng không thực hiện.
Hợp đồng dịch vụ 40 tỷ đồng với một loạt ưu đãi?
Theo trình bày của bà Châu Kim Phụng, ngày 6/2/2017, Phú Hưng Long ký hợp đồng dịch vụ 01/2017-HĐDV với An Tín, do ông Nguyễn Đức Thọ làm Chủ tịch HĐQT đại diện ký, về việc “Lập dự án đầu tư, xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghệ cao và tham gia chương trình kích cầu thông qua dự án đầu tư và vay vốn của tổ chức tín dụng”.
Giá trị của hợp đồng dịch vụ này lên tới 40 tỷ đồng.
Trong hợp đồng, Công ty Phú Hưng Long yêu cầu phía An Tín chịu trách nhiệm xin chủ trương của thành phố, phối hợp với tổ chức tín dụng lên phương án thẩm duyệt cho vay đầu tư.
An Tín cũng chiệu trách nhiệm xin chủ trương của Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP.HCM và các bộ ngành liên quan, để dự án của Phú Hưng Long được chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai công ty. |
Hợp đồng cũng kèm theo một số điều khoản An Tín phải đảm bảo cho Phú Hưng Long hoàn thành được việc bảo vệ đề án xin chấp thuận đầu tư; đảm bảo cho họ được vay tối thiểu 900 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời hạn 7 năm; đảm bảo cho Phú Hưng Long có được giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất E4 có diện tích tối thiểu 6 ha, với giá thuê 50.285 đồng/m2, trong thời gian thuê 50 năm…
Chưa hết, Công ty Phú Hưng Long phải được hưởng các ưu đãi về thuế, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm trong (miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo). Riêng thuế nhập khẩu và VAT, công ty phải được miễn hoàn toàn.
Hợp đồng giữa An Tín và Phú Hưng Long cũng quy định chặt chẽ về thời gian, trong đó quy định thời gian An Tín soạn thảo và hoàn thành bộ hồ sơ nộp vào Ban quản lý kích cầu, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để xin tham gia vào chương trình kích cầu và nhận được biên nhận của những đơn vị này.
Đồng thời, An Tín có trách nhiệm cung cấp giấy chấp thuận chủ trương cho vay từ hội sở chính của các ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Agribank). Riêng Vietinbank cấp giấy chấp thuận chủ trương cho vay với hạn mức tối thiểu 900 tỷ đồng.
Theo phản ánh của bà Châu Kim Phụng, để tạo lòng tin, ông Nguyễn Đức Thọ tự giới thiệu và đưa ra các tài liệu, các danh thiếp để chứng minh ông Thọ là Trợ lý Chủ tịch Công ty Xây dựng HB, đã giúp đơn vị này xin được dự án tại Khu công nghệ cao; là trợ lý Hiệu trưởng Đại học N.T.T, đã giúp trường xin được dự án và một số công ty của Hàn Quốc xin được dự án trong Khu công nghệ cao.
Ông Nguyễn Đức Thọ khoe là nắm rõ hiện trạng thu hút đầu tư trong Khu công nghệ cao TP.HCM, và quen biết nhiều cán bộ, công chức có liên quan đến việc xem xét, duyệt các chương trình kích cầu của UBND TP.HCM; được Ban quản lý Khu công nghệ cao hỗ trợ tối đa để tham gia chương trình kích cầu.
Chi tiền tỷ lót tay lãnh đạo?
Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty Phú Hưng Long đã tạm ứng cho Công ty An Tín 1 tỷ đồng và hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ bổ sung, cung cấp các tài liệu, hồ sơ cho Công ty An Tín theo yêu cầu.
Bà Châu Kim Phụng cho rằng trong quá trình làm việc, để chứng minh Công ty An Tín đang nỗ lực chạy dự án vào Khu công nghệ cao, ông Thọ cũng trưng ra ủy nhiệm chi chuyển tiền lót tay cho lãnh đạo của Khu công nghệ cao 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, từ khi ký hợp đồng đến nay, An Tín không hoàn thành các bước theo hợp đồng, có biểu hiện gian dối để chiếm đoạt số tiền trên.
Cụ thể, phía An Tín đã có email gửi cho Phú Hưng Long, cho rằng đã lấy ý kiến của các chuyên gia công nghệ cao và các phòng ban nghiệp vụ thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao, xin ý kiến ban lãnh đạo TP.HCM. Tuy nhiên, bà Phụng cho biết qua làm việc với Khu công nghệ cao, lãnh đạo đơn vị này khẳng định ông Thọ chưa từng liên hệ trao đổi hay nộp hồ sơ về việc xin đầu tư dự án cho Phú Hưng Long.
Ông Lê Hoài Quốc – Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng khu đất Công ty An Tín hứa “chạy” cho Phú Hưng Long là không có cơ sở. Ảnh: M.T |
Ngoài ra, về các thủ tục hỗ trợ tín dụng ở ngân hàng, thay vì liên hệ hội sở ngân hàng để ra giấy chấp thuận chủ trương cho vay, An Tín lại liên hệ Vietinbank – Chi nhánh Thủ Đức, để ra thông báo lập lờ, vượt thẩm quyền.
Nội dụng thông báo này cụ thể là: “Dự kiến dành ra một khoản tín dụng lên đến 900 tỷ đồng để tài trợ dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao Phú Hưng Long…”
Đến nay, nhiều lần Phú Hưng Long gửi biên bản thông báo về việc An Tín vi phạm hợp đồng, thông báo chấm dứt hợp đồng, đồng thời trực tiếp làm việc với ông Thọ để giải quyết tranh chấp hợp đồng. Thế nhưng, ông Thọ cố tình né tránh, không thể hiện thiện chí mà tiếp tục vòng vo để chiếm đoạt số tiền phí Phú Hưng Long thanh toán và các khoản phạt do vi phạm hợp đồng.
“Phú Hưng Long đã gửi đơn tố cáo ông Thọ đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật”, bà Phụng cho biết.
Vị trí “chạy” dự án là không có cơ sở
Ông Lê Hoài Quốc – Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, khẳng định cơ quan này chưa nhận bất kỳ hồ sơ nào từ Công ty An Tín xin chủ trương đầu tư dự án cho Công ty Phú Hưng Long tại khu công nghệ cao. Không những không có dự án Phú Hưng Long, 2 dự án Công ty An Tín đứng ra làm thủ tục cũng đã bị rút giấy phép. Cụ thể là Viện nghiên cứu Việt – Nhật và một dự án khác của Hàn Quốc.
“Tôi đã mời ông Thọ đến làm việc và ông ấy đã xác nhận không có chuyện này. Nếu Khu công nghệ cao và cá nhân ông nhận tiền lót tay tại sao thu hồi dự án?”, ông Quốc đặt vấn đề.
Theo ông Quốc, khu đất mà Công ty An Tín hứa xin dự án cho Công ty Phú Hưng Long rộng khoảng 22,22 ha. Trong đó, hiện ban quản lý đã cấp cho Đại học Fulbright 15 ha, cấp cho Trung tâm Quản lý điều hành 3,5 ha, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khoa học sự sống hơn 3 ha.
Như vậy, quỹ đất khu vực này hầu như không còn, nên việc Công ty An Tín hứa “chạy” dự án cho Công ty Phú Hưng Long vào Khu công nghệ cao có diện tích 6 ha là không có cơ sở.
Ngoài ra, ông Quốc cũng nói việc Công ty An Tín cam kết bảo đảm cho Công ty Phú Hưng Long được vay tối thiểu 900 tỷ đồng, tương ứng 85% giá trị máy móc thiết bị, 70% giá trị xây dựng và các hạng mục khác với lãi suất bằng 0 đồng và thời hạn vay 7 năm… là viển vông, lừa đảo.
Bởi những dự án thuộc diện công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, TP.HCM có hỗ trợ kích cầu đầu tư hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 100 tỷ đồng.
Từ khi thành lập Khu công nghệ cao TP.HCM đến nay, chỉ có một doanh nghiệp vay vượt mức này, với nguồn vốn vay được UBND TP.HCM cấp tối đa là 236 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho Samsung. Vì vậy, việc làm của Công ty An Tín là có dấu hiệu lừa đảo.
Theo ông Quốc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc và Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cam kết sẽ phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ việc trên.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông Sài Gòn sẽ được xây dựng như thế nào?Dựa trên các nền tảng đã có về thể chế, kinh tế và cơ sở hạ tầng, 3 quận khu Đông TP.HCM là quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo trong tương lai. |
Comments are closed.