Trung Quốc thanh lọc hệ thống sàn giao dịch cho vay tín chấp

Sàn giao dịch cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay uy tín mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới, cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến.

Tại châu Á, Trung Quốc được biết đến là quốc gia đầu tiên phát triển mô hình cho vay mới mẻ này, từ năm 2007.

Phải đến 2012, thị trường P2P Trung Quốc mới thực sự phát triển vượt bậc trong mọi khía cạnh, từ số lượng nhà đầu tư, đến nền tảng cho vay và lợi nhuận kinh doanh và đạt khoảng 17 tỷ USD về doanh số giao dịch.

Tuy nhiên, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc cho biết đến cuối năm 2015, đã có hơn 400 tỷ nhân dân tệ đầu tư từ hơn 3.600 công ty giao dịch ngang hàng P2P và hơn 1.000 công ty trong số này là có vấn đề.

Financial Times dẫn số liệu của Online Lending Club cho biết năm 2017, khu vực cho vay ngang hàng ở Trung Quốc ghi nhận nhiều giao dịch trị giá 445 tỷ USD.

Mặc dù không thể so với các ngân hàng, chỉ trong tháng 1/2018 đã cho vay 458,3 tỷ USD, mô hình P2P vẫn chứng minh được mức độ phổ biến tại quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Trung Quoc thanh loc he thong san giao dich cho vay tin chap hinh anh 1
Tại Trung Quốc, Ant Financial là công ty có thế mạnh bậc nhất trong thị trường thanh toán trực tuyến. Ảnh: China Daily.

Những chiêu thức gian lận tinh vi đã nổi lên trong khu vực P2P rộng lớn và sôi động, khiến các nhà quản lý tài chính Trung Quốc trở nên thận trọng hơn.

Nhiều công ty cho vay P2P đã bị xóa sổ, điển hình là Hongling Capital, một trong những công ty lớn nhất về P2P, trong cuộc chiến nợ năm 2016 và 2017. Sau khi nhận được báo cáo, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đóng cửa những công ty gian lận và cho vay với lãi suất cao.

Trong số 6.000 nền tảng cho vay trực tuyến được mở ra, chưa đến 2.000 công ty còn hoạt động tính đến tháng 2/2018, theo số liệu của Online Lending House.

“Chắc chắn sẽ có những công ty trong số 2.000 nền tảng P2P không thể vượt qua vòng nộp hồ sơ cấp phép”, giám đốc một công ty P2P cho hay, “đây là một bước để thanh lọc hệ thống”.

Theo quy định mới, các công ty P2P bị giới hạn nguồn vốn và lãi các khoản vay; không quá 1 triệu Rmb (159.000 USD) cho cá nhân và 5 triệu Rmb cho doanh nghiệp, đã được công ty giám sát.

Quy định mới sẽ có hiệu lực vào tháng 6, nhằm hoàn thiện quy trình phê duyệt cấp phép. Tuy nhiên, các công ty cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn chi tiết về quá trình nộp đơn mà họ phải hoàn thành trước khi đi vào hoạt động.

Các thành viên Hiệp hội tài chính trực tuyến quốc gia đã tự nguyện ký một tuyên bố về tuân thủ các quy định mới nhằm “duy trì trách nhiệm xã hội”.

Tuyên bố này thu thập chữ ký của giám đốc điều hành các công ty công nghệ tài chính lớn nhất, trong đó có cả Ant Financial là chi nhánh thuộc Alibaba và JD.com.

Theo một nhân viên cấp cao, với tuyên bố này, các công ty mong muốn tăng khả năng tin cậy để vượt qua vòng nộp hồ sơ cấp phép.

Trong khi các ông lớn P2P có khả năng vượt qua quá trình nộp hồ sơ cấp phép, thì một bộ phận khu vực P2P lại bị ảnh hưởng. Gần đây, Lufax đã trì hoãn việc chuẩn bị cho nộp hồ sơ cấp phép do những yêu cầu không rõ ràng.

Mô hình cho vay ngang hàng lần đầu tiên xuất hiện ở Anh, bùng nổ mạnh mẽ tại thị trường Mỹ và phát triển đạt đỉnh tại Trung Quốc.

Tháng 3/2005, Zopa là 1 sàn giao dịch P2P, được sáng lập tại Anh và được coi là website cho vay P2P đầu tiên trên thế giới, chuyên dành cho các cá nhân và đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ. Đến 2006 và 2007, hai nhà cung cấp sàn giao dịch P2P khác tại Mỹ là Prosper và Lending Club ra đời, chiếm lĩnh thị phần khổng lồ tại thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ (khoảng 10 tỷ USD).

Posted on Tháng Năm 31, 2018 in Tin tức

Share the Story

Back to Top