“48%/tháng là quá cao, cũng không thể trách người dân không kìm chế được lòng tham trước mức lợi nhuận lớn như vậy”, TS. Võ Trí Thành nói với Zing.vn về mức lãi suất của dự án đầu tư iFan đang bị tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng.
Thực tế, so với nhiều kênh đầu tư phổ biến ở Việt Nam hiện nay như gửi ngân hàng, mua vàng, chơi chứng khoán, mua bất động sản…, mức lãi suất mà iFan đưa ra cao “không tưởng”, gấp hàng chục, thậm chí tiến tới gần cả trăm lần.
Gấp 80 lần lãi suất ngân hàng
Kênh đầu tư được đa số người dân lựa chọn và cho là an toàn và ổn định nhất hiện nay là gửi tiết kiệm ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đưa ra phổ biến trong khoảng 5-7%/năm. Với kỳ hạn dài trên 2 năm, mức cao nhất cũng chỉ 7,5%/năm. Còn với kỳ hạn ngắn dưới một năm, lãi suất tối đa các ngân hàng thương mại đưa ra chỉ dưới 7%/năm.
Như vậy, mức lợi nhuận 48%/tháng, tương đương 576%/năm của dự án đầu tư iFan đang cao gấp 80 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Kênh đầu tư được nhiều chuyên gia đánh giá hiệu quả nhất trong năm 2017 và đầu 2018 là chứng khoán cũng không có khả năng mang lại mức lợi nhuận “khủng” như dự án iFan cam kết.
2017 là năm mà thị trường chứng khoán Việt tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua với mức tăng 48% từ vùng 665 điểm lên 984 điểm của chỉ số VN-Index. Thậm chí, trong thời điểm thăng hoa của thị trường chứng khoán gần đây khi liên tục phá đỉnh, VN-Index mới chỉ tăng được 20% sau 4 tháng đầu năm 2018. So với mức lợi nhuận khi đầu tư vào iFan, kênh đầu tư hiệu quả nhất hiện nay cũng chỉ bằng vỏn vẹn 1/12 lần.
Trong khi đó, với mức tăng 12% trong năm 2017, vàng – kênh đầu tư vốn được nhiều người Việt lựa chọn – vẫn kém iFan tới gần 50 lần.
Còn lại, đối với các loại hình đầu tư khác như ngoại tệ, đồng EUR là điểm sáng nhất cũng chỉ tăng hơn 12% trong năm vừa qua, bằng vỏn vẹn 1/48 lần iFan.
Ở mảng bất động sản, với phân khúc được kỳ vọng là nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư cũng cam kết lợi nhuận là 10%/năm trong những năm đầu, thậm chí cao nhất lên tới 12-15%/năm. Nếu so sánh tương quan, mức này vẫn là quá thấp so với mức lợi nhuận mà dự án iFan cam kết.
Chỉ thua tiền ảo
Thực tế, so với các kênh đầu tư chính thống hiện nay, không loại hình nào có mức lợi nhuận cao như dự án iFan đưa ra. Chỉ có tiền kỹ thuật số (hay còn được biết đến là Crypto currency) mới được xem là đối thủ xứng tầm về mức lợi nhuận mang lại.
Trong năm qua, đã có những thời điểm cơn sốt tiền kỹ thuật số đẩy đồng Bitcoin tăng gần 15 lần lên vượt mức gần 20.000 USD/Bitcoin, hay như Ethereum tăng hơn 40 lần lên hơn 1.400 USD/Ethereum.
Được biết, dự án iFan cũng liên quan tới đồng tiền kỹ thuật số khi chuỗi đa cấp đứng sau dự án này đã tạo ra đồng tiền số tích điểm cho các ứng dụng liên quan đến showbiz, mang tên iFan.
Sau khi chuẩn bị được nền tảng đáng tin cậy, iFan bắt đầu tạo nên “cơn sốt” ảo bằng việc thao túng giá đồng iFan, mục đích là huy động vốn từ những người cả tin.
Một hệ thống “cò mồi” được sử dụng chỉ để tung ra những tin đồn trở thành người may mắn sở hữu những token đầu tiên của ứng dụng này với giá chưa tới 1 USD/iFan. Sau một tháng đầu mở bán, iFan được đẩy giá trị lên gấp 7 lần, với mức đầu cơ chỉ thua tiền kỹ thuật số, càng nhiều người sập bẫy dự án iFan.
Mức lợi nhuận đầu tư lên tới 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng được đưa ra nếu người tham gia ủy thác cho vay với mức thấp nhất là 1.000 USD (tương đương gần 23 triệu đồng). Những người chơi không đủ 1.000 USD sẽ được gom lại cho đến khi đủ số tiền để mua gói đầu tư cho vay.
Bên cạnh đó, người giới thiệu thêm nhà đầu tư tham gia thì sẽ được hưởng thêm 8% mức đầu tư của người đó. Sau khi thu về hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt ICO (Initial Coin Offering – hình thức huy động vốn cho một liên doanh tiền ảo mới), chuỗi đa cấp đứng sau dự án đã chuyển hình thức trả tiền mặt sang tiền ảo iFan với mức giá niêm yết 5 USD/đồng.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó giá trị của đồng tiền ảo này đã chạm đáy ở mức 0,01 USD/đồng khiến các nhà đầu tư vỡ mộng, ôm “coin rác” và thậm chí là không lấy lại được số tiền đã trót đầu tư vào dự án của Modern Tech.
Sau vụ iFan, Bộ Công Thương cảnh báo cẩn thận với tiền ảoĐại diện Bộ Công Thương cho rằng tiền ảo vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên người dùng cần rất thận trọng khi sử dụng, giao dịch, mua bán. |
Người đầu tư dự án iFan bị tố lừa 15.000 tỷ khó có thể lấy lại tiềnTheo chuyên gia, người đầu tư vào dự án iFan khó lấy lại tiền của mình, thậm chí để khởi tố công ty đứng sau dự án cũng phải có đủ bằng chứng theo quy định pháp luật. |
Comments are closed.