Tập đoàn Trung Nguyên kinh doanh ra sao trước vòng xoáy kiện tụng?

Theo trang web chính thức của Trung Nguyên Legend, Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập vào tháng 6 năm 1996 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, mãi tới tháng 12 năm 2002, công ty mới chính thức được cấp giấy phép kinh doanh.

Từ đó tới nay, Trung Nguyên đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình hoạt động với nhiều thành tựu rực rỡ nhưng cũng không ít sóng gió.

Con cưng G7 và cuộc tranh cãi thị phần cà phê hòa tan

Năm 2003, một năm sau khi có giấy phép kinh doanh, một nhánh quan trọng của Trung Nguyên – Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên được thành lập tại Bình Dương với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ. Đây cũng là thời điểm cà phê hòa tan G7 – “con cưng” của Trung Nguyên ra đời.

Tap doan Trung Nguyen kinh doanh ra sao truoc vong xoay kien tung? hinh anh 1
Chủ tịch Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ trước khi ở ẩn từng đưa ra tham vọng doanh thu của tập đoàn ở con số 1 tỷ USD vào năm 2016.

Mặc dù xuất hiện muộn hơn rất nhiều so với các dòng sản phẩm cà phê hòa tan của Nestle và Vinacafe Biên Hòa, G7 đã có cú lội ngược dòng xuất sắc với chiến lược tiếp thị mới mẻ, đánh đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Bằng cuộc “thử mù” nổi tiếng tại dinh Thống Nhất với 89% người dùng yêu thích, G7 của Trung Nguyên đã tạo được dấu ấn trên bản đồ thị phần cà phê hòa tan trong thị trường nội địa.

Năm 2012, Trung Nguyên họp báo và tuyên bố dẫn khảo sát của Nielsen: “G7 dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan với 40% thị phần”. Thế nhưng Nielsen cho biết, họ không hề công bố bất cứ văn bản nào xác nhận điều này.

Trong khi đó, năm 2014, Vinacafe tiết lộ một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam theo đó, Vinacafe chiếm 41% thị phần, thứ hai là Nestlé (26,3%), thứ ba là Trung Nguyên (16%) và thứ tư là Trần Quang (15,3%).

Theo con số thống kê mới nhất từ Euromonitor năm 2015, thị phần của G7 là 4,7%, kém xa so với thị phần của Nestle và Vinacafe Biên Hòa, lần lượt là 38% và 37%.

Doanh thu nghìn tỷ

Trước khi câu chuyện li hôn của vợ chồng ông vua cà phê gây sóng gió trên các phương tiện truyền thông, người ta đã từng nhớ tới Trung Nguyên với niềm tự hào và kiêu hãnh.

Trung Nguyên là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi có thể vượt ra khỏi biên giới hình chữ S để vươn ra thế giới. Đến nay, tập đoàn đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.500 quán cà phê nhượng quyền cả trong và ngoài nước. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã và đang được xuất khẩu đi 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông.

Nắm thị phần khiêm tốn ở mảng cà phê hòa tan, thế nhưng, ở các mảng miếng kinh doanh khác, Trung Nguyên gần như không có đối thủ. Tập đoàn duy trì vị trí đứng đầu trong mảng cà phê rang xay với mức gia tăng thị phần từ 54% năm 2010 lên 59% năm 2015.

Không công bố báo cáo tài chính, nên kết quả kinh doanh của Trung Nguyên vẫn là ẩn số với nhiều người. Các số liệu chủ yếu từ phát biểu của ông Vũ và các đại diện Trung Nguyên với báo giới.

Năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết thời điểm ấy doanh nghiệp có khoảng 3.000 nhân viên, doanh thu năm 2012 đạt 200 triệu USD, tăng 32% so với năm 2011. Trung Nguyên đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016.

Theo dữ liệu của bảng xếp hạng VNR500, năm 2014, Trung Nguyên xếp vị trí 217 trong số các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất.

Trong khi đó, Nhịp cầu Đầu tư năm 2016 dẫn đánh giá của một số chuyên gia trong ngành cho rằng các công ty cà phê nội địa tên tuổi có doanh thu dao động bình quân 260-300 tỷ đồng/tháng (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng/năm), tăng trưởng bình quân 20%/năm. Doanh thu của Trung Nguyên có thể vươn đến xấp xỉ 10.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Còn theo tiết lộ của đại diện Trung Nguyên, trong năm 2015- 2016, doanh thu của Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc đạt 30 triệu USD (680 tỷ đồng).

Sóng gió hôn nhân đe dọa thương hiệu

Năm 2015, Trung Nguyên tạo dấu ấn trong lòng người tiêu dùng bằng việc cho ra đời thương hiệu Trung Nguyên Legend – một dòng cà phê hoàn toàn mới với “slogan” “Cà phê của Giàu có và Hạnh phúc”. Thế nhưng, trái lại với khẩu hiệu ngọt ngào và ấm áp này, đây là thời điểm sóng gió ập tới cuộc hôn nhân của ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo.

Trước đó, Cà phê hòa tan là nhánh duy nhất của tập đoàn do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên chủ sở hữu. Các nhánh kinh doanh khác của Trung Nguyên bao gồm Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising (quản lý chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên trên toàn quốc) và Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên đều đứng tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Cuối năm 2015, Tập đoàn Trung Nguyên bất ngờ ngừng cung cấp các sản phẩm thuộc nhóm cà phê hòa tan, làm dấy lên nhiều tin đồn về mâu thuẫn giữa ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo.

Thực tế, năm 2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị và tự ý đưa ra quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo dù không có mặt bà tham dự. Đáp trả lại hành động của ông Vũ, bà Thảo tố cáo hành vi của ông là vi phạm pháp luật.

Tháng 4/2016, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, chuyển người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên sang tháng 5, bà Thảo đã có đơn khiếu nại yêu cầu chờ phán quyết của Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Khiếu nại của bà Thảo đã thành công khi ngày 13/7, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận ngày 21/4, đồng thời khôi phục quyền điều hành công ty cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Hiện nay bà Thảo đã nắm giữ quyền kiểm soát mảng cà phê hòa tan và Trung Nguyên International (TNI) – hai nhánh khá lớn của Trung Nguyên. Trong đó, TNI có trụ sở chính ở Singapore thành lập năm 2008, chuyên lo phân phối các sản phẩm của Trung Nguyên ra thế giới. Tuy nhiên, ông Nguyên Vũ vẫn là người điều hành chính tại tập đoàn này.

Hơn 3 năm tranh chấp thương hiệu, câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông vua cà phê vẫn chưa thể ngã ngũ. Trong cuộc chiến pháp lý này, thương hiệu Trung Nguyên đang chịu thiệt hại lớn về mặt danh tiếng.

3 năm trong vòng xoáy kiện tụng của vợ chồng ‘vua cà phê’ Trung Nguyên

Kết hôn, cùng khởi nghiệp để xây dựng một đế chế cà phê hùng mạnh nhưng 3 năm qua, cuộc sống của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên liên tiếp trong vòng xoáy pháp lý.

Vợ vua cà phê Trung Nguyên: ‘Giá như tôi cứng rắn hơn’

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ “vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ, mở lòng về khởi nghiệp mới với cà phê và giai đoạn căng thẳng tranh chấp trong điều hành Trung Nguyên.

  • Lê Hoàng Diệp Thảo

    Lê Hoàng Diệp Thảo

    Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang giữ vai trò Tổng Giám đốc TNI Corporation, có trụ sở tại TP.HCM. Bà cũng là đồng sáng lập, đồng sở hữu Tập đoàn cà phê Trung Nguyên từ năm 1996 cho đến nay. Bà có những đóng góp mang tính quyết định trong việc làm nên sự lớn mạnh và phát triển bền vững của tập đoàn này. Bà chính là người đưa thương hiệu Trung Nguyên và G7 đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thương hiệu King Coffee ra mắt vào 10/2016, hiện đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Australia…

    • Năm sinh: 1973
    • Nơi sinh: Gia Lai
    • Nguyên quán: Thừa Thiên Huế
  • Trung Nguyên

    Trung Nguyên

    Tập đoàn Trung Nguyên là một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

    Bạn có biết: Cà phê Trung Nguyên được Bộ Ngoại giao chọn là “Đại sứ Ngoại giao Văn hóa”

    • Thành lập: 16/6/1996 tại Buôn Ma Thuột
    • Trụ sở chính: Thành phố Hồ Chí Minh
    • Sáng lập: Đặng Lê Nguyên Vũ, Lê Hoàng Diệp Thảo

Posted on Tháng Ba 31, 2018 in Tin tức

Share the Story

Back to Top