Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời về kiến nghị của Tập đoàn Mai Linh về kiến nghị giãn nợ hơn trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm của tập đoàn này.
Bộ Tài chính khẳng định theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật, chưa có quy định về khoanh nợ, giãn nợ và không tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, theo quy định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế.
Chưa có quy định về khoanh nợ, giảm lãi như trường hợp của Mai Linh. Ảnh: Minh Hoàng |
Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động.
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, xem xét, nghiên cứu trả lời kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Đến nay mới chỉ có Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đã làm với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh liên quan đến văn bản cầu cứu của công ty này. Qua đó, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết khoanh nợ, giãn nợ không thuộc thẩm quyền của BHXH. Cơ quan này làm việc với Mai Linh, để trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, Nhà nước xem xét. Thẩm quyền này là của Chính phủ áp dụng theo quy định tại Khoản 7, Điều 10 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2004.
“BHXH chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế về quỹ theo đúng quy định của pháp luật; không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị”, ông Liệu cho biết.
Vụ việc này xuất phát từ tình hình kinh doanh không khả quan, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội lớn của Tập đoàn Mai Linh trong nhiều năm. Mới đây, tập đoàn này bất ngờ gửi văn bản cầu cứu Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các cơ quan liên quan, xin được miễn lãi phát sinh với số tiền gốc và lãi gần 230 tỷ đồng và trả nợ chậm trong 20 kỳ. Số nợ này được Mai Linh giải thích là nợ cũ của các công ty con đã dừng hoạt động, nhưng tập đoàn phải trả thay. Số nợ này là gốc và lãi phát sinh từ năm 2012 về nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, cho rằng khoản nợ chỉ 84 tỷ đồng tính từ năm 2012, mà đến bây giờ cả tiền gốc, tiền lãi và phạt đã lên hơn 180 tỷ đồng. Tập đoàn cố gắng thanh toán một tháng khoảng 5 tỷ vẫn thấp hơn lãi cộng dồn. Từ đó nợ cứ chồng lên nợ, lãi chồng vào lãi và con số ngày một lớn.
“Hiện các khoản đóng mới của doanh nghiệp không được tính vào nợ gốc, mà chỉ để trừ lãi. Nếu Nhà nước cứ tính theo phương án tính lãi, tính phạt như vậy thì đến 100 năm sau Mai Linh cũng không trả hết khoản nợ này”, ông Hồ Huy chia sẻ.
-
Mai Linh
Mai Linh là một trong những doanh nghiệp vận tải taxi lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Tiền thân của Mai Linh là Công ty TNHH vận tải hành khách và du lịch Mai Linh. Mai Linh hiện hoạt động trên nhiều lĩnh vực với cốt lõi là vận tải và một số lĩnh vực khác như chuyển phát nhanh, cho thuê xe, du lịch…
Bạn có biết: Mai Linh hiện có hàng chục chi nhánh tại nhiều tỉnh thánh phố trong cả nước với số lượng khoảng 30.000 nhân viên.
- Năm thành lập: 1993
- Người sáng lập: Hồ Huy
- Doanh thu: 3.700 tỷ đồng (2016)
Comments are closed.