Theo thống kê của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2017, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi tại đơn vị đã đầu tư đạt hơn 38.372 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Trong đó, số tiền này chủ yếu đang được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Cũng theo thống kê, đến hết năm 2017, 1.275 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó có 92 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, một ngân hàng hợp tác xã và 1.177 quỹ tín dụng nhân dân cùng 4 tổ chức tài chính vi mô.
Chỉ riêng năm 2017, Bảo hiểm tiền gửi đã thu về gần 5.867 tỷ đồng tiền từ các TCTD tham gia bảo hiểm, tăng 970 tỷ, tương đương gần 20% so với năm trước đó.
Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi cũng đang nghiên cứu kế hoạch mua trái phiếu dài hạn của các TCTD, tham gia hỗ trợ các TCTD theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD mới được thông qua.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản.
Theo tìm hiểu, hiện toàn bộ 36 ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng hiện nay đều tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Cũng theo quy định của Luật các TCTD hiện hành, khách hàng sẽ được Bảo hiểm tiền gửi chi trả 75 triệu đồng/người/TCTD nếu ngân hàng nơi gửi tiền phá sản.
Mức này đã tăng hơn 25 triệu đồng so với mức chi trả trước đó áp dụng từ trước ngày 5/8/2017. Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng/người và năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng mỗi người.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù số tiền người dân gửi vào TCTD lớn hơn 75 triệu đồng hay vài tỷ đồng thì số tiền bảo hiểm tiền gửi chi trả vẫn không quá 75 triệu đồng/người. Tuy nhiên, ngoài khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền còn nhận được tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của TCTD bị phá sản.
Cách đây không lâu, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về con số 75 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi có thể chi trả cho người gửi tiền, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn và bảo vệ phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền). Tuy nhiên, phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường, nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường.
“Số tiền được bảo hiểm chi trả không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tính toán tại tháng 6/2016)”, Thống đốc nêu rõ.
Người đứng đầu NHNN cũng cho biết muốn nâng mức chi trả này lên trên 75 triệu đồng thì cần nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc tăng phí sẽ làm tăng gánh nặng cho TCTD, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.
Người gửi tiền được trả tối đa 75 triệu bảo hiểm nếu ngân hàng phá sảnTừ 5/8, nếu tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền tiết kiệm sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng thay vì mức 50 triệu đồng áp dụng từ năm 2005. |
Comments are closed.