Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia công bố hôm nay (26/12). Theo cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu thực của ngành ngân hàng hiện cao hơn nhiều so với con số mà ngành tự tính toán.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thùy – Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia – cho biết theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng năm qua là 9,5% tổng dư nợ. Đầu năm, tỷ lệ này là 11,5%.
Con số 9,5% nói trên đã giảm so với đầu năm nhưng vẫn đang cao gấp 3 lần so với tỷ lệ “dưới 3% tổng dư nợ” của nợ xấu nội bảng mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo cách đây chưa lâu.
“Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ đã được cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài đã giảm”, ông Thuỳ cho hay.
Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá của Uỷn ban Giám sát tài chính quốc gia, quá trình xử lý nợ xấu đã được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm nhờ tác động của Nghị quyết 42. Tính từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã xử lý được tổng cộng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, qua đó giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành xuống còn 9,5%.
Giữa tháng 11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan tới con số thực của nợ xấu hiện nay, Thống đốc Lê Minh Hưng đã cho biết tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9 năm nay theo báo cáo của NHNN là 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm trước đó.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Hưng cũng cho biết con số 2,34% chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng. Nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các khoản nợ xấu tiềm ẩn thì tổng nợ xấu đến cuối tháng lên vào khoảng 566.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 8,61% tổng dư nợ.
Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho hay năm qua, các khoản trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng đã tăng 24,7% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo đạt 65,8%.
Cùng với việc nợ xấu ngành ngân hàng giảm cả về giá trị và tỷ lệ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của hệ thống ngân hàng cũng đạt 11,1%. Tuy nhiên, theo cơ quan này, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực tăng vốn lớn, bởi nếu tính CAR theo chuẩn Basel II thì nhiều nhà băng còn ở dưới mức 8%.
Để đạt chuẩn Basel II, theo đại diện Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, các ngân hàng cần tăng vốn từ có lên gần 2 lần so với hiện nay.
Trong năm 2017, nhiều ngân hàng đã kế hoạch và tiến hành tăng vốn điều lệ để từng bước nâng tỷ lệ an toàn vốn của mình. Như VPBank trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng đã hoàn thành xong kế hoạch tăng vốn thêm 1.647 tỷ đồng lên đạt 15.706 tỷ đồng hiện nay.
Tháng 6 vừa qua, NHNN đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ lên 4.195 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. MBBank cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lần lượt lên 18.155 tỷ đồng (số vốn điều lệ cũ 17.127 tỷ). Hay HĐQT ACB cũng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ từ mức 10.273 tỷ đồng hiện nay.
Tương tự, Techcombank đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, từ mức 8.878 tỷ hiện nay lên gần 14.000 tỷ đồng thông qua chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ nắm giữ.
HSC: Vẫn còn 400.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lýTheo ước tính của HSC, hiện vẫn còn khoảng 400.000 tỷ nợ xấu chưa xử lý. Số nợ không thu hồi được trong tổng nợ xấu chưa được trích lập của toàn ngành khoảng 240.000-280.000 tỷ. |
‘Nợ xấu thật là bao nhiêu?’Tại phiên chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng, đại biểu đưa ra số liệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu NHNN và Uỷ ban Kinh tế có sự khác biệt và đặt câu hỏi với tư lệnh ngành ngân hàng. |
Comments are closed.