Nhiều công ty đa cấp ‘ăn nên làm ra’

Số lượng công ty đa cấp do cơ quan quản lý cấp phép đang dần bị thu hẹp, nhưng doanh thu của các công ty lại có xu hướng tăng theo từng năm.

Cả nước hiện có khoảng 750.000 người tham gia bán hàng đa cấp. Ảnh: Herbalife.

Trong báo cáo tài chính năm 2023 của công ty mẹ, Herbalife Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 279 triệu USD, tương đương gần 6.700 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022.

Theo lý giải của công ty, sự biến động của tỷ giá hối đoái đã tác động bất lợi lên chỉ tiêu doanh thu thuần. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam tiếp tục tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự xáo trộn liên quan đến động thái điều chỉnh quy định về bán hàng đa cấp từ phía Chính phủ.

Tuy nhiên, đây vẫn là con số doanh thu cao so với thị trường, cũng như so với kết quả đạt được trong các năm trước đây của Herbalife.

Doanh thu Herbalife chiếm 1/3 toàn ngành

Herbalife chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam vào năm 2009 thông qua pháp nhân là Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (trụ sở tại TP.HCM). Khi đó, Việt Nam là thị trường thứ 71 của Herbalife trên toàn cầu.

Với mô hình đa cấp, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho người tiêu dùng thông qua việc phát triển hàng trăm nghìn thành viên kinh doanh.

Giai đoạn 2018-2022, thời điểm công ty mẹ thuyết minh cụ thể kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Herbalife làm ăn tương đối hiệu quả khi chứng kiến doanh thu tăng lên hàng năm. Trong đó, doanh thu thuần của công ty lập kỷ lục vào năm 2022, đạt 299 triệu USD.

Hiện doanh thu của Herbalife Việt Nam chiếm 1/3 tổng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp, qua đó đưa doanh nghiệp này trở thành công ty đa cấp lớn nhất Việt Nam, vượt trội so với doanh thu của New Image, Amway, Oriflame…

HERBALIFE DẪN ĐẦU DOANH THU BÁN HÀNG ĐA CẤP
KQKD các công ty bán hàng đa cấp. Nguồn: Vietdata.
Nhãn Herbalife New Image Amway Oriflame
2020 Tỷ đồng 5400 3520 1500 650
2021 6730 4510 1900 490
2022 7500 4900 2400 580

Nhìn chung, các công ty bán hàng đa cấp dẫn đầu thị trường Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong vài năm trở lại đây.

Điển hình, doanh thu của New Image Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021 và 39% so với năm 2020. Được thành lập từ năm 2013, New Image Việt Nam là thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm chứa thành phần sữa non, quản lý cân nặng, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và chăm sóc da.

Một công ty đa cấp chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm chức năng khác là Amway Việt Nam ghi nhận doanh thu trong năm 2022 đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và 56% so với năm 2020. Đây là một trong những công ty đa cấp xuất hiện sớm nhất tại thị trường Việt Nam với pháp nhân đầu tiên thành lập vào năm 2008.

Trong khi đó, doanh thu của Oriflame Việt Nam lại gặp biến động trong giai đoạn đại dịch. Năm 2022, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm làm đẹp xuất xứ Thụy Điển thu về gần 580 tỷ đồng, tăng 22% so với mức nền thấp của năm 2021 và giảm hơn 12% so với năm 2020.

Xét về lợi nhuận, không phải Herbalife mà New Image Việt Nam mới là công ty đa cấp lãi đậm nhất. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt gần 420 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021 nhưng cao gấp 6 lần năm 2020.

Amway xếp ở vị trí thứ 2 với lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt gần 90 tỷ đồng. Hebarlife đứng ở vị trí thứ 3 với 72 tỷ đồng, con số này đã giảm 78% so với năm 2021.

Trong khi đó, Oriflame Việt Nam ghi nhận lợi nhuận tương đối mỏng với khoản lỗ gần 1 tỷ đồng trong năm 2022. Năm trước đó, công ty cũng chỉ lãi vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng.

Số lượng công ty đa cấp giảm dần

Từ năm 2015 đến 2016 được xem là giai đoạn bùng nổ của mô hình bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều công ty đa cấp biến tướng lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người tham gia để thực hiện hành vi trục lợi.

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.

Lần gần nhất là năm 2023, đã có 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết cả nước hiện còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp đang hoạt động, giảm 38% trong 5 năm trở lại đây. Tuy số lượng doanh nghiệp giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn liên tục tăng trưởng.

DOANH THU NGÀNH BÁN HÀNG ĐA CẤP TĂNG TRƯỞNG HÀNG NĂM
Nguồn: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Nhãn 2017 2018 2019 2020 2021 2022
Doanh thu Tỷ đồng 8000 10782 12575 15438 19000 21110

Trong năm 2021, doanh thu ngành đa cấp đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Đến năm 2022, con số được nâng thêm 11% lên 21.110 tỷ đồng. Trong ngành bán hàng đa cấp, khoảng 90% doanh số đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, cơ quan quản lý chứng kiến số lượng người tham gia bán hàng đa cấp liên tục giảm xuống. Tại một hội nghị về bán hàng đa cấp tổ chức vào đầu năm nay, ông Võ Đan Mạch – Chánh văn phòng Hiệp hội bán hàng đa cấp – cho biết Việt Nam hiện có 750.000 người bán hàng đa cấp, giảm 40% so với mức đỉnh điểm của năm 2018 là hơn 1,2 triệu người.

Trong báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia công bố năm 2021, tổng số hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong năm 2020 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng doanh thu (chưa bao gồm VAT).

Trong đó, giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền hơn 100 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế. Theo số liệu báo cáo, không doanh nghiệp nào có tỷ lệ trả thưởng vượt quá 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp.

Công ty đa cấp do Ronaldo quảng cáo thu về 279 triệu USD tại Việt Nam

Theo báo cáo tài chính từ công ty mẹ, Herbalife Việt Nam có doanh thu thuần đạt 279 triệu USD, chiếm 16% tổng doanh thu toàn thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Siết quản lý thuế mua bán vàng bạc

Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước và thế giới, Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường quản lý thuế với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

HoSE nghẽn lệnh

Các công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới nhà đầu tư về tình trạng không thể thao tác giao dịch trên sàn HoSE. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mất kết nối.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo… Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Ba 11, 2024 in Tin tức

Share the Story

Back to Top