Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan rà soát, sửa đổi quy định, khắc phục hạn chế, gỡ bỏ các rào cản để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng tiêu chí nâng hạng lên mới nổi.
Thủ tướng yêu cầu đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có chứng khoán.
“Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới thị trường chứng khoán (TTCK), luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hàng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột”, Thủ tướng chia sẻ.
Vi phạm trên TTCK gây mất niềm tin
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ TTCK Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục.
Đó là vấn đề về xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường ngày càng phát triển, song phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững.
Tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường vẫn còn xuất hiện; chuẩn mực đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý chưa nghiêm minh, kịp thời. Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác.
Tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán vẫn tồn tại. Ảnh: Việt Linh. |
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK hay các vấn đề vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng cần được lưu tâm.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm, trong đó bao gồm quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn, phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.
“Các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan, luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
“Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”
Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Trong đó, Bộ Tài chính cần rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư và việc sửa đổi Nghị định 155.
Bộ Tài chính và UBCKNN cũng cần đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; cũng như cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tiếp tục nâng cao công tác giám sát, thanh kiểm tra TTCK nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm; xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các đơn vị được giao mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống về TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chú trọng công tác truyền thông nâng cao hiểu biết, trình độ, khả năng phân tích của các nhà đầu tư.
UBCKNN tiếp tục phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.
Với kế hoạch nâng hạng thị trường, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được”.
Chúng ta quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đáng chú ý, Bộ Tài chính, UBCKNN, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm để đáp ứng được tiêu chí nâng hạng TTCK (báo cáo kết quả trước ngày 30/6).
Song song đó, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động.
Tiếp tục phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo 2 mô hình là đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.
Ngoài ra, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần khuyến khích các loại hình doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo quy định.
Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Tập trung thúc đẩy chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thủ tướng nêu rõ trong năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị – xã hội để nhà đầu tư yên tâm.
Nhà đầu tư ngoại có thể rót 25 tỷ USD vào chứng khoán Việt NamWorld Bank ước tính việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ khối ngoại cho thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Thị trường chứng khoán huy động hơn 400.000 tỷ đồng năm 2023Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tổng giá trị huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán năm 2023 đạt gần 418.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022. |
Vượt TP.HCM, Hà Nội dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoàiTrong 2 tháng đầu năm, Hà Nội đã vượt TP.HCM, Quảng Ninh, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gấp hàng chục lần so với cùng kỳ. |
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo… Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
hội nghị chứng khoán
thủ tướng phát biểu
Tiền mã hóa
Chính phủ
thủ tướng
chứng khoán
cổ phiếu
Theo: Zing News
Comments are closed.