Sự nổi lên của Malaysia, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và EU, đặt ngành sầu riêng Việt Nam vào thế phải thay đổi.
Sầu riêng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Giám. |
Châu Âu – một thị trường ngách, được nhiều nhà xuất khẩu sầu riêng kỳ vọng thay đổi tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ” – đang nhập khẩu khoảng 90% sầu riêng từ Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc của sầu riêng Việt Nam đang vấp phải những thách thức mới.
Theo thông báo ngày 17/1 của Ủy ban châu Âu (EC), EU đang tăng cường mức độ kiểm soát chính thức việc nhập khẩu các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam. Kể từ đầu tháng 2 tới, sầu riêng tươi và đông lạnh của Việt Nam vào thị trường EU sẽ bị kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại cửa khẩu, với tần suất 10%.
Thị trường ngày càng khó tính
Việt Nam không phải trường hợp cá biệt có hàng hóa bị EU siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tần suất kiểm tra 10% ngay lần đầu tiên đã khiến ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) “giật mình”.
Ông Nguyên dẫn chứng những cảnh báo gần đây ghi nhận xu hướng giảm vi phạm dư lượng hóa chất của hàng nông sản Việt Nam vào EU. Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), 10 tháng đầu năm 2023, EU đã đưa ra 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam, giảm khoảng 15% so với năm 2022.
Chia sẻ với Tri Thức – Znews chiều 23/1, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng dư lượng hóa chất trong sản phẩm sầu riêng xuất sang thị trường EU có thể đã “vô tình” đến từ hai nguồn. Thứ nhất, thu mua sầu riêng bên ngoài để bù đắp số lượng thiếu hụt. Thứ hai, khó xác định 100% phân bón vô cơ hay hữu cơ không lẫn hóa chất.
Áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn khi doanh nghiệp cùng lúc chịu tác động EU tăng tần suất kiểm tra 10% và giá cước cao do vận chuyển đường hàng không
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit)
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều nắm vững quy định của thị thị trường châu Âu, đang tìm cách thích ứng với các quy định mới, khuyến cáo người trồng sầu riêng đặc biệt chú ý áp dụng các phương thức kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của mới của EU, ông nói thêm.
“Tại thị trường châu Âu, tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là người dùng gốc Á, người châu Âu ít ăn sầu riêng”, ông Nguyên cho biết. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU đạt khoảng 300 triệu USD, trong đó sầu riêng chiếm khoảng 20 triệu USD.
Tổng thư ký Vinafruit lo lắng “áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn” khi doanh nghiệp cùng lúc chịu tác động EU tăng tần suất kiểm tra 10% và giá cước cao do vận chuyển đường hàng không. Tại thị trường châu Âu, sầu riêng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng Thái Lan và Malaysia.
Năm 2024, Malaysia dự kiến xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc – thị trường trị giá 4 tỷ USD – thông báo này được đưa ra sau khi Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký “thỏa thuận 6 điểm” về xuất khẩu sầu riêng tươi của Malaysia vào Trung Quốc hồi tháng 10/2023.
Trung Quốc đã nhập múi sầu riêng đông lạnh từ Malaysia từ năm 2017 và nguyên trái đông lạnh từ năm 2019. Việc được cấp phép xuất quả tươi sẽ giúp Malaysia cạnh tranh tốt hơn với Thái Lan, quốc gia xuất khẩu 99% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu, sầu riêng tươi và đông lạnh, vào thị trường Trung Quốc.
Malaysia đang nổi lên trong vai trò nguồn cung mới cho thị trường sầu riêng thế giới. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cho thấy năm 2023, sản lượng sầu riêng của quốc gia này đã đạt 455.458 tấn. Trong đó có 10% được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, Hong Kong và Singapore.
Cạnh tranh ngày càng tăng
Thái Lan chắc chắn không ngồi yên nhìn miếng bánh thị phần bị chia nhỏ, theo nhiều nghiên cứu nông nghiệp trong nước. Chất lượng đồng nhất và mẫu mã được xem là yếu tố sống còn giúp Thái Lan giải bài toán cạnh tranh với các nguồn cung mới, như Malaysia và Việt Nam.
Ngành nông nghiệp Thái Lan thường xuyên tổ chức tập huấn tới từng hộ nông dân về quy trình canh tác, giám sát từ khi cây ra hoa, xả nhụy đến khi cắt trái, kiểm tra chất lượng trước khi cắt bán cho doanh nghiệp. Cách quản lý này giúp sầu riêng Thái Lan cạnh tranh về chất, thay vì lượng.
Trước đó, Thái Lan từng là nguồn cung duy nhất xuất khẩu sầu riêng cho Trung Quốc, nhưng thị phần đang suy giảm do phải chia sẻ cho Việt Nam và Malaysia. Ở mảng sầu riêng tươi, xuất khẩu của Thái Lan đã giảm xuống 95% vào năm 2022, và tiếp tục giảm xuống 70% trong 10 tháng đầu năm 2023, theo dữ liệu của Vinafruit.
Tổng diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam hiện vào khoảng 110.000 ha. Ảnh: Hoàng Giám. |
Thống kê năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước đạt 110.000 ha, tăng 24% so với năm trước. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 54.400 ha, với năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng đạt 849.100 tấn.
Năm 2024, sản lượng sầu riêng của Việt Nam được dự báo tăng cao. “Vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là phải giữ được thị trường. Chúng ta phải cạnh tranh với các nước khác bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng”, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét.
Theo ông Hoàng Trung, lợi thế của sầu riêng Việt Nam là khả năng cung cấp quanh năm so với Malaysia và Thái Lan phụ thuộc vào mùa vụ, đặc biệt chi phí logistics từ Việt Nam thấp hơn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giúp giá thành cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại của Malaysia và Thái Lan.
Thứ trưởng Trung cho biết thêm thời điểm từ tháng 9 hàng năm, gần như chỉ có Việt Nam có sầu riêng, đây là lợi thế về xuất khẩu. Tây Nguyên – vùng sầu riêng lớn nhất Việt Nam – thu hoạch rộ vào tháng 9, trong khi các nước khác vào cuối vụ, sản lượng hạn chế, gần như chỉ còn sản phẩm đông lạnh.
Tri thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Nhà máy điện gia dụng Hòa Phát Hà Nam có gì?Sau hơn 2 năm đầu tư, nhà máy điện máy gia dụng Hòa Phát Hà Nam với diện tích 15 ha đã đi vào hoạt động giai đoạn 1. |
Chứng khoán 23/1: VN-Index mất mốc 1.180 điểmÁp lực bán quanh vùng kháng cự 1.180 điểm khiến chỉ số chính đại diện sàn HoSE không thể nối dài đà tăng. Dòng tiền theo đó cũng quay trở về trạng thái thận trọng. |
Sasco lãi cao nhất kể từ dịch Covid-19Khoản lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng ghi nhận năm ngoái là mức lãi cao nhất Sasco thu về kể từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và tác động mạnh tới ngành hàng không. |
sầu riêng
sầu riêng đông lạnh
xuất khẩu sầu riêng
xuất khẩu
sầu riêng việt nam
giá sầu riêng
Theo: Zing News
Comments are closed.