Đã có nhà băng đầu tiên công bố trả cổ tức tiền mặt ngay đầu năm mới

VIB là ngân hàng đầu tiên công bố thời điểm chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6% trong năm 2024.

Ước tính nhà băng này cần tới 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Ảnh: Nam Khánh.

HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Tế – VIB (HoSE: VIB) vừa công bố ngày 22/1 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Ước tính nhà băng này cần tới 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Trước đó, vào tháng 12/2023, VIB đã lấy ý kiến cổ đông về việc tạm ứng cổ tức tỷ lệ 6% bằng tiền mặt. Ngân hàng cho biết theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 sẽ đạt 8.640 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với 2022.

Trong đó, nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 dự kiến đạt 9.159 tỷ đồng. Theo quy chế tài chính, ngân hàng sẽ trích lập các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu số tiền 1.296 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau thực hiện trích lập sẽ là 7.863 tỷ đồng, tăng thêm 1.722 tỷ đồng so với cuối quý III/2023.

Do đó, VIB có thể chủ động tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 6% dựa trên lợi nhuận chưa phân phối và vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn vốn chủ sở hữu, đảm bảo tốt cả tỷ lệ an toàn, nguyên tắc kế toán.

Như vậy, đây là ngân hàng đầu tiên công bố thời điểm chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024.

Vào hai quý đầu năm 2023, VIB cũng đã chi hơn 2.100 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 15%, chia thành hai đợt. Ngoài trả cổ tức bằng tiền mặt, VIB cũng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%.

Ngoài ra, vào cuối tháng 6/2023, VIB cũng đã phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu ESOP dành cho người lao động. Tổng cộng, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên 25.368 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, tính đến cuối quý III/2023, VIB ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động.

Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.

Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB đạt gần 11.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2023, chỉ số này lên đến 4.300 tỷ đồng, mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay.

Sau 9 tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%. Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VIB đạt 384.500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

SCB thanh lý 23 xe chở tiền giá chưa đến 4 tỷ đồng

SCB thông báo thanh lý lô 23 ôtô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng. Tất cả đều mang biển số TP.HCM, đăng ký trong giai đoạn 2004-2011.

TP.HCM dự kiến đấu giá 3 lô ‘đất vàng’ tại Thủ Thiêm

Năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch đấu giá đối với các khu đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức và các khu vực khác.

Một số nhà đầu tư muốn tham gia cơ cấu lại SCB

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nhà băng này.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Một 8, 2024 in Tin tức

Share the Story

Back to Top