Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới”.
VN-Index cao nhất 9 năm
Đánh giá thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2017, các chuyên gia ghi nhận kết quả tích cực và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn.
Cụ thể, tính đến đầu tháng 7 năm 2017 VN-Index đã tăng 17% so với đầu năm 2017 khi VN-Index đạt 778 điểm, mốc cao nhất trong vòng 9 năm qua và HNX-Index đạt 103 điểm tăng hơn 23%.
VN-index hiện ở mốc cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Ảnh: Phương Diệp. |
Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP.
Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 131.000 tỷ đồng.
Trái ngược với động thái bán ròng trong nửa cuối năm 2016, 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng.
Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán
Nguyên nhân thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh là do nhiều yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định khi GDP tăng trưởng 5,4% trong 6 tháng và Chính phủ đang quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% theo kế hoạch đề ra.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì thị trường chứng khoán được hưởng lợi từ việc nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với thế giới. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do kiểu mới dẫn đến những thay đổi về môi trường kinh doanh giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Chính phủ chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chủ trương cổ phần hóa, thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước lên sàn chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn.
Nhận định về xu hướng của thị trường, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI, cho rằng hiện thị trường có điều chỉnh trong ngắn hạn thì cũng không đáng ngại, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm và thu hút dòng tiền.
Ông Linh cho biết mức vốn hóa thị trường chứng khoán hiện chỉ bằng 35% so với lượng tiền gửi tại các ngân hàng. Và lượng tiền còn rất nhiều trong dân. Đây là động lực quan trọng cho tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Cổ phiếu ở Việt Nam còn rẻ
Trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành lên sàn chứng khoán như Sabeco, Habeco, Vietjet Air, Vinatex, Petrolimex… đã thu hút lượng tiền lớn tham gia thị trường khiến thanh khoản thị trường thường xuyên ở mức 3.000-4.000 tỷ đồng/phiên giao dịch.
VN-Index đã tăng 17% trong 6 tháng đầu năm 2017. |
Hiện có 700 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn chứng khoán. Một số doanh nghiệp lớn được thị trường mong đợi như Vinaphone, Mobifone cũng chưa tham gia thị trường.
Các chuyên gia cho rằng đây là những “hàng hóa tốt” và khi lên sàn chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư vào đây.
Một nguyên nhân khác được ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, chỉ ra là hiện lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc xử lý nợ xấu sẽ giúp dòng tiền thông minh tìm đến kênh đầu tư sinh lời hiệu quả là chứng khoán.
Trong khi đó dưới góc nhìn của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới của CTCK KIS Việt Nam, công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, đánh giá cổ phiếu Việt Nam được định giá khá rẻ và hợp lý so với khu vực . Hiện nay P/E ở mức 15-17 lần trong khi các quốc gia khác tại Đông Nam Á đều trên 20, một số quốc gia 30 lần.
Ông Phương cho biết các nhà đầu tư nước ngoài nhận định nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng, không chỉ định giá hiện tại.
Các chuyên gia dự báo VN-Index có thể đạt mức 800-820 điểm trong các tháng cuối năm 2017.
Cổ phiếu các ngành ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng được đánh giá là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Comments are closed.