Các công ty chứng khoán đã loại nhóm cổ phiếu thuộc họ Apec ra khỏi danh mục cho vay ký quỹ (margin) sau tin khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán.
Sau thông tin khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (mã: APS); CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (mã: API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ), mới đây Công ty Chứng khoán SSI đã thông báo loại hai mã cổ phiếu họ Apec gồm API và IDJ ra khỏi danh mục margin. Thông báo có hiệu lực bắt đầu từ ngày 29/6.
Trước SSI, các công ty chứng khoán khác cũng có thông báo cắt margin đối với cổ phiếu của họ Apec. Cụ thể, Chứng khoán BIDV (mã: BSC) đã loại IDJ khỏi danh mục được phép ký quỹ từ ngày 27/6. Chứng khoán Yuanta Việt Nam (mã: YSVN) cũng không còn sự có mặt của nhóm cổ phiếu IDJ, API và APS từ ngày 27/6.
Cũng từ ngày 26/6, hai công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã: SHS) và Chứng khoán Trí Việt (mã: TVB) đã loại cổ phiếu IDJ ra khỏi danh mục được phép thực hiện giao dịch ký quỹ.
Động thái của các sàn chứng khoán tới từ bối cảnh nhóm cổ phiếu họ Apec hiện nằm trong diện bị khởi tố của Công an TP.Hà Nội liên quan tới vấn đề thao túng thị trường chứng khoán.
Ngay sau khi thông tin khởi tố nổ ra, cả ba cổ phiếu họ Apec đều đồng loạt nhận áp lực bán mạnh, đẩy giá giảm kịch sàn “trắng bên mua”. Hiện thị giá chỉ loanh quanh 10.000 đồng/cổ phiếu và dư bán giá sàn tới hàng chục triệu đơn vị.
Đi cùng với giá giảm, thanh khoản của các cổ phiếu này cũng tụt dốc từ vài chục triệu đơn vị mỗi phiên, xuống còn chưa đến 5 triệu đơn vị trong 2 phiên giảm sàn gần nhất là 26-27/6.
Tuần trước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã lên tiếng về vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm cổ phiếu họ Apec. Trong đó, UBCKNN nhấn mạnh sẽ tăng cường xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường kỷ cương và giữ môi trường đầu tư phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Thông tin khởi tố trên cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải nhìn lại lịch sử các cổ phiếu thuộc họ Apec. Năm 2021 được xem là năm bứt tốc bùng nổ của nhóm API, IDJ và APS.
Với cổ phiếu API, từ cuối năm 2020, cổ phiếu này bắt đầu tăng giá từ 10.000 đồng/cổ phiếu rồi chạm đỉnh điểm 102.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/11/2021, tương đương mức tăng gấp 10 lần.
Cổ phiếu IDJ cũng tăng mạnh từ tháng 7/2021 đến tháng 11/2021 với mức tăng từ vùng 15.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh điểm 74.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/11/2021, tương đương mức tăng gần 5 lần.
Còn cổ phiếu APS tăng từ vùng 3.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh là 59.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/11/2021, tương đương mức tăng gần 20 lần.
Theo đánh giá của chuyên gia, câu chuyện xử lý những sai phạm trong chứng khoán ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến vi phạm. Tuy nhiên, tác động sẽ chỉ mang tính cục bộ do việc xử lý vi phạm đã diễn ra từ giữa năm 2022 và các nhà đầu tư cũng đã có sự chuẩn bị từ trước.
Việc dòng tiền tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu này và luân chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với tính an toàn cao hơn có thể là một tín hiệu tích cực giúp đưa thị trường đi lên trong tuần sau.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Đại hội cổ đông DIC Group lại bất thànhDoanh nghiệp bất động sản lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa thể họp cổ đông thường niên năm 2023 lần thứ nhất do tỷ lệ dự họp thấp hơn mức quy định. |
Hệ sinh thái của Apec Group ‘khủng’ cỡ nào?Tập đoàn đa ngành này sở hữu hàng loạt dự án bất động sản hạng sang quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cùng với đó là các công ty chứng khoán, nội thất, môi trường… |
Theo: Zing News
Comments are closed.