Phần lớn trong khoản lỗ hơn 17.600 tỷ đồng Bamboo Airways phải gánh trong năm ngoái không đến từ hoạt động kinh doanh hàng không mà đến từ các giao dịch cho vay của hãng.
Khoản lỗ Bamboo Airways phải gánh trong năm 2022 cao hơn cả mức lỗ của Vietnam Airlines và Vietjet Air gộp lại. Ảnh: BAV. |
Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố tài liệu phục vụ phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, trong đó hãng bay này đã công bố một phần báo cáo tài chính năm 2022.
Đáng chú ý, báo cáo của Bamboo Airways đã cho thấy bức tranh tài chính không mấy khả quan của hãng, đặc biệt là các giao dịch cho vay lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng.
Lỗ nặng do đâu
Theo báo cáo tài chính, trong năm vừa qua, Bamboo Airways đã ghi nhận 11.732 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 3,3 lần so với năm liền trước. Tuy nhiên, do vẫn phải hoạt động kinh doanh dưới giá vốn nên hãng hàng không này tiếp tục chịu khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh chính 3.209 tỷ đồng (năm 2021 công ty cũng lỗ gộp 4.060 tỷ).
Không chỉ ghi nhận biến động mạnh ở chỉ tiêu doanh thu, một loạt chỉ tiêu tài chính khác của hãng bay này cũng có thay đổi lớn trong năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính của hãng năm vừa qua đã giảm 95%, chỉ mang về 121 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chính lại tăng gấp 4,7 lần, tiêu tốn 1.406 tỷ, trong đó, riêng chi phí lãi vay phát sinh trong năm đã là gần 545 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi.
Thay đổi lớn nhất trong các khoản chi của Bamboo Airways năm vừa qua là chi phí quản lý doanh nghiệp. Năm 2021, hãng chỉ phải chi ra 158 tỷ đồng cho phần này, nhưng đến năm 2022, số chi đã tăng lên tới 12.750 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến hãng bay này chìm trong khoản lỗ ròng sau thuế 17.619 tỷ đồng năm vừa qua. So với năm liền trước, khoản lỗ này đã tăng tới 7,7 lần.
Thậm chí, khoản lỗ ròng Bamboo Airways phải nhận trong năm 2022 còn cao hơn cả số lỗ của Vietnam Airlines và Vietjet Air gộp lại. Năm ngoái, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 10.500 tỷ, còn Vietjet lỗ khoảng 2.200 tỷ đồng.
BAMBOO AIRWAYS LỖ NẶNG TRONG NĂM 2022 | ||||
Kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất của Bamboo Airways. Nguồn: BCTC DN. | ||||
Nhãn | 2020 | 2021 | 2022 | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 4049 | 3557 | 11732 |
Lợi nhuận sau thuế | 311 | -2281 | -17619 |
Không chỉ gây chú ý với khoản lỗ kỷ lục, cấu phần khoản thua lỗ của Bamboo Airways cũng khiến các nhà đầu tư chú ý khi phần lớn khoản lỗ không đến từ hoạt động kinh doanh hàng không, mà chủ yếu đến từ việc phải trích lập dự phòng với các giao dịch cho vay.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, Bamboo Airways có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt hơn 18.000 tỷ đồng, giảm hơn 8.800 tỷ so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, hãng bay lại có tới 10.916 tỷ đồng khoản phải thu về cho vay (ngắn hạn và dài hạn), trong đó, riêng khoản phải thu về cho vay ngắn hạn là 10.443 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hãng hàng không này còn có 9.847 tỷ đồng phải thu khác (ngắn hạn và dài hạn).
Đi kèm với khoản phải thu về cho vay hàng chục nghìn tỷ đồng kể trên, Bamboo Airways phải trích lập dự phòng phải thu (ngắn hạn và dài hạn) khó đòi lên tới 12.492 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của hãng lên tới 12.750 tỷ đồng và trực tiếp gây ra khoản lỗ kỷ lục trong năm.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Bamboo Airways chưa hề trích lập dự phòng cho các khoản phải thu này, dù khi đó hãng đã có tới hơn 10.000 tỷ đồng phải thu về cho vay và hơn 6.000 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.
Tăng vốn rồi mang tiền đi cho vay
Tuy báo cáo tài chính năm 2022 của Bamboo Airways không có phần thuyết minh danh sách các “con nợ” của doanh nghiệp, nhưng theo báo cáo năm 2021 – thời điểm hãng cũng có hơn chục nghìn tỷ phải thu về cho vay – danh sách này bao gồm một loạt doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Thương mại và Phát triển Dịch vụ Phúc Thịnh (1.788 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An Thịnh Đạt (1.299 tỷ); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển IMR (1.181 tỷ).
Bên cạnh đó còn có CTCP Đầu tư và Phát triển tháng 8 (975 tỷ); CTCP Xây dựng và Phát triển Đại Cát (838 tỷ); CTCP Thương mại và Xây dựng Lâm Giang (762 tỷ); CTCP Đầu tư và Phát triển tổng hợp Hồng Hà (540 tỷ); CTCP Đào tạo và Cung cấp nguồn nhân lực HR (451 tỷ); CTCP Đầu tư và Phát triển Chiềng An (315 tỷ); CTCP vận chuyển và Cung ứng suất ăn TC (300 tỷ)…
Ngoài ra, Bamboo Airways khi đó còn có khoản phải thu cho vay dài hạn 240 tỷ đồng với CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định và 233 tỷ đồng với CTCP Đầu tư và Phát triển Chiềng An.
Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp mà hãng bay này có khoản phải thu cho vay, nhiều doanh nghiệp có liên quan tới Tập đoàn FLC.
Như Công ty Phúc Thịnh và Công ty An Thịnh Đạt đều có trụ sở chính nằm tại Tầng 5, Tòa nhà FLC Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là dự án và trụ sở cũ của FLC.
Tương tự, Công ty IMR có Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Nga. Trong đó, bà Nga đồng thời là Người đại diện theo pháp luật của 2 công ty là CTCP Đầu tư và Phát triển Hải Bình, có trụ sở tại Văn phòng Ban Quản lý Dự án FLC Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ACO có trụ sở chính tại FLC SamSon Golf Links (Thanh Hoá).
BAMBOO AIRWAYS TĂNG VỐN DỒN DẬP NĂM 2021 | ||||||||||
Những đợt tăng vốn của Bamboo Airways từ khi thành lập. | ||||||||||
Nhãn | 31/5/2017 | 25/7/2018 | 23/9/2019 | 18/10 | 17/4/2020 | 5/2/2021 | 13/4 | 26/4 | 9/9/2021 | |
Vốn điều lệ | Tỷ đồng | 700 | 1300 | 2200 | 4050 | 7000 | 10500 | 12500 | 16000 | 18500 |
Hay như Công ty Phát triển tháng 8, có ông Nghiêm Hoài Nam là Người đại diện theo pháp luật. Trong đó, ông Nam còn là Người đại diện của Công ty CP Dịch vụ Pháp Việt (trụ sở tại Tầng 3, Tòa nhà FLC Landmark Tower).
Ngoài ra, trong các công ty còn lại phần lớn đều là những doanh nghiệp hoặc đặt trụ sở tại dự án của FLC, hoặc có cùng người đại diện của doanh nghiệp có liên quan FLC.
Cũng theo báo cáo tài chính, phần lớn khoản cho vay kể trên đều phát sinh trong năm 2021. Năm 2020, giá trị các khoản phải thu về cho vay của hãng mới vào khoảng 2.400 tỷ đồng và đều là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn.
Đáng chú ý, năm 2021 cũng là năm Bamboo Airways liên tục tiến hành các đợt tăng vốn, đưa vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2020 lên 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021. Số vốn tăng thêm giai đoạn này cũng là hơn chục nghìn tỷ đồng, tương đương với phần phải thu về cho vay phát sinh trong năm.
Các khoản cho vay ngắn hạn của Bamboo Airways kể trên chủ yếu có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất khoảng 9-9,2%/năm và các khoản cho vay dài hạn có kỳ hạn 24-36 tháng, lãi suất là 10%/năm. Lãi vay được thanh toán vào ngày kết thúc thời hạn vay.
Các khoản vay này được đảm bảo bởi tài sản hợp pháp của bên đi vay hoặc bên thứ ba là bên liên quan. Tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản tại Phú Thọ, Bạc Liêu, Bình Định.
Bên cạnh đó, tại báo cáo năm 2021, HĐQT và Ban tổng giám đốc Bamboo Airways cam kết giám sát việc sử dụng vốn vay chặt chẽ và chịu trách nhiệm trước cổ đông về việc thu hồi đầy đủ các khoản cho vay và đánh giá không có bất kỳ tổn thất nào cần phải trích lập dự phòng liên quan đến các khoản cho vay của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, đến kỳ báo cáo năm 2022, phần lớn các khoản cho vay này đã phải trích lập dự phòng.
Toàn bộ thành viên HĐQT Bamboo Airways từ nhiệmBên cạnh HĐQT, Bamboo Airways cũng sẽ miễn nhiệm 3 thành viên Ban kiểm soát. Danh sách ứng viên để bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới chưa được doanh nghiệp thông báo. |
Bamboo Airways lỗ hơn 17.600 tỷ đồng năm 2022Mức lỗ trong năm 2022 của Bamboo Airways cao hơn cả Vietnam Airlines và Vietjet gộp lại. |
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
bamboo airways
thua lỗ
Vietjet Air
Bamboo Airways
hàng không tre việt
tập đoàn flc
bav
hàng không
lỗ kỷ lục
vietnam airlines
vietjet air
Theo: Zing News
Comments are closed.