Vietcombank được tăng vốn lên gần 55.900 tỷ đồng

Ngân hàng quốc doanh này sẽ thực hiện đợt tăng vốn đầu tiên thêm 8.566 tỷ đồng thông qua đợt chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019-2020.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên mức 55.891 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn sẽ được thực hiện bằng việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019-2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 856,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền là 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại thời điểm phát hành sẽ được nhận 181 cổ phiếu mới).

Nếu phát hành thành công, Vietcombank sẽ trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong ngành, chỉ xếp sau ngân hàng tư nhân VPBank.

VỐN ĐIỀU LỆ MỘT SỐ NGÂN HÀNG
Nhãn VPBank Vietcombank (sau chia cổ tức) BIDV VietinBank MB Agribank ACB SHB Techcombank
Vốn điều lệ Tỷ đồng 67434 55891 50585 48057 45340 34446 33774 30674 35172

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông.

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định, Vietcombank phải thực hiện sửa đổi điều lệ, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đang có kế hoạch triển khai đến 3 phương án tăng vốn điều lệ.

Bên cạnh đợt chia cổ tức đã được NHNN chấp thuận kể trên, nhà băng này còn đề xuất tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018, với tổng mức tăng thêm khoảng 27.000 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ phát hành khoảng 58,4%). Phương án này đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, ngân hàng còn có kế hoạch tăng vốn khác là phát hành riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,5%). Hiện Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến thực hiện trong năm 2023-2024.

Theo báo cáo kinh doanh quý đầu năm, tổng thu nhập của Vietcombank đạt khoảng 18.500 tỷ đồng quý I, tăng 11% so cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng nhích nhẹ lên mức 0,8%, trong khi tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành tăng lên 1,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đi ngược xu thế ngành duy trì quanh mức 320%, còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu của top 15 ngân hàng niêm yết giảm mạnh từ 150% xuống 130% trong quý đầu năm.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I của nhà băng này đạt 11.221 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu ở mức 144.658 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ so với hồi đầu năm và tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng.

Vietcombank, BIDV, VietinBank lãi hơn 1 tỷ USD quý I

Tổng lợi nhuận của 3 ngân hàng quốc doanh đã vượt mức 24.000 tỷ đồng trong quý I, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, BIDV là nhà băng có lợi nhuận tăng mạnh nhất (+53%).

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

Theo: Zing News

Posted on Tháng Sáu 1, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top