Khoản nợ gốc của Thép Việt Nhật là 194 tỷ đồng và nợ lãi 253 tỷ, nhưng trong lần rao bán thứ 17 này, BIDV chỉ ra giá khởi điểm hơn 114 tỷ đồng, chịu mất hết lãi và gần nửa nợ gốc.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hải Phòng mới đây đã có thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Thép Việt Nhật. Đáng chú ý, đây đã là đợt đấu giá lần thứ 17 của nhà băng này sau nhiều lần đấu giá bất thành trước đó.
Theo BIDV, tính đến ngày 23/5/2022, tổng dư nợ của Thép Việt Nhật tại ngân hàng là 447,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 194 tỷ đồng, dư nợ lãi là 253 tỷ đồng.
Đại hạ giá lần thứ 17
Trong lần đấu giá này, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm chỉ hơn 114,6 tỷ đồng; không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có).
Mức giá này đã giảm 26 tỷ đồng so với con số mà ngân hàng đưa ra trong đợt đấu giá hồi tháng 1 năm nay. Trong khi đó, giá khởi điểm này cũng cách khá xa so với con số 194,1 tỷ đồng nợ gốc. Trường hợp bên mua nợ mua với giá 114,6 tỷ đồng thì nhà băng này sẽ mất trắng 80 tỷ đồng nợ gốc và toàn bộ nợ lãi.
Theo hồ sơ rao bán, tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên là 2 bất động sản tại Hải Phòng, gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại thửa số 187 có địa chỉ 159 Bạch Đằng và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại Nhà máy cán Km 9 quốc lộ 5 tại Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng.
Các tài sản này gồm văn phòng, nhà xưởng Nhà máy cán thép HPS, nhà cân, gian bán hàng, hệ thống móng thiết bị nhà xưởng, đường dây 35KV và trạm biến áp, bãi để vật tư, bãi để sản phẩm số 1, nhà để xe.
Đây là lần thứ 17 ngân hàng BIDV rao bán khoản nợ của Thép Việt Nhật. Ảnh: Thép Việt Nhật. |
Bên cạnh đó, tài sản thế chấp cho khoản vay còn bao gồm nhiều ôtô như Toyota Camry GLI, Toyota Hiace, Mercedes E240 và hàng loạt thiết bị chuyên dụng phục vụ công trình.
Khoản nợ hiện được BIDV bán theo nguyên trạng về dư nợ, tài sản bảo đảm, hồ sơ khoản nợ, tình trạng tranh chấp, chất lượng khoản nợ… và mọi vấn đề, yếu tố khác có liên quan đến khoản nợ tại thời điểm được đưa ra đấu giá. Nhà băng này cũng đưa thông báo, người tham gia đấu giá sẽ phải đặt trước 11,4 tỷ đồng.
Thanh lý loạt khoản nợ trăm tỷ đồng
Ngoài khoản nợ của Thép Việt Nhật, BIDV cũng đang rao bán hàng loạt khoản nợ trăm tỷ đồng khác.
Cụ thể, nhà băng này hiện bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang. Đây cũng là đợt đấu giá lần thứ 15 của BIDV với khoản nợ này.
Được biết, tổng dư nợ của khách hàng này tính đến ngày 11/3/2022 là hơn 253,2 tỷ đồng; bao gồm 97,3 tỷ đồng nợ gốc và 155,6 tỷ đồng nợ lãi. Giá khởi điểm được BIDV đưa ra là 235,5 tỷ đồng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và tiền tạm ứng án phí đã tạm ứng tại tòa án nhân dân có thẩm quyền. Số tiền đặt trước là 10% giá khởi điểm.
Bên cạnh đó, nhà băng này còn đang rao bán khoản nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 9/5 là 1.016 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 633 tỷ đồng. Giá khởi điểm được đưa ra là 1.016 tỷ đồng, khoản tiền đặt trước là 101 tỷ đồng.
Tương tự, khoản nợ của nhóm công ty gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu và Công ty CP Đầu tư xây lắp Trí Đức cũng đang được BIDV rao bán. Tính đến ngày 15/3, tổng dư nợ của khoản vay này là hơn 543 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm BIDV đưa ra là hơn 356 tỷ đồng, tương đương 66% dư nợ gốc và lãi.
Ngoài ra, BIDV Chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng đang thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thanh Trang, Công ty TNHH MTV Nước giải khát Việt Trang, Công ty TNHH MTV Hoàng Lan với tổng dư nợ tạm tính đến ngày 17/5 là hơn 189 tỷ đồng. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là hơn 151 tỷ đồng, số tiền đặt trước là hơn 7,5 tỷ đồng; BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty CP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên với tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 11/5 là 120 tỷ đồng, giá khởi điểm là 120 tỷ đồng…
Toàn bộ khoản nợ được ngân hàng rao bán kể trên đều có tài sản kèm theo là các bất động sản, nhà máy, dây truyền sản xuất và một số phương tiện di chuyển…
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Nhất Tín Logistics tiếp tục chìm trong thua lỗCông ty chuyển phát nhanh này ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 25 tỷ đồng trong năm ngoái, qua đó đẩy hệ số nợ phải trả lên cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. |
Trung Nam Group nợ trái phiếu hơn 1 tỷ USDTập đoàn đa ngành này ghi nhận lợi nhuận giảm sút trong năm 2022, cùng với đó là áp lực chi phí tài chính lớn hơn khi dư nợ trái phiếu vượt hơn 1 tỷ USD. |
Theo: Zing News
Comments are closed.