Nhà đầu tư chiến lược công nghệ cao ở TP.HCM phải có tài sản 25.000 tỷ

Theo dự thảo nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong 5 năm tới, nhà đầu tư được gọi là chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao phải có tổng tài sản trên 25.000 tỷ đồng.

Sáng 26/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ đặc thù cho TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54 hết hiệu lực. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban về dự thảo nghị quyết này.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, còn nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí, định giá tài sản của nhà đầu tư chiến lược.

Đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải có quy mô vốn từ 50.000 tỷ

Theo dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội, có một số ngành nghề được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM.

Đó là lĩnh vực đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này phải đáp ứng một trong các điều kiện: Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư tương tự, có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

TP.HCM cũng được ưu đãi đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ cao gồm: Công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

co che dac thu anh 1

TP.HCM sẽ ưu tiên thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao gồm: Công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip… Ảnh: Chí Hùng.

Điều kiện để gọi là nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao gồm: Có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Một lĩnh vực ưu đãi nữa là đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên. Điều kiện là phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Theo dự thảo, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Băn khoăn tiêu chí định giá quy mô tài sản 25.000 tỷ đồng

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút rộng; điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản; số lượng doanh nghiệp, dự án tại Thành phố là rất lớn, dẫn đến việc áp dụng ưu đãi có thể tác động đến ngân sách.

Mặt khác, TP.HCM có đặc thù riêng, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động thận trọng, đặc biệt tác động đối với ngân sách Nhà nước, đưa ra dự ước cụ thể để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên có phạm vi, lĩnh vực, ngành nghề khá rộng, quy mô vốn đầu tư ở mức trung bình tương ứng với từng loại hình. Điều này dẫn đến phạm vi ưu đãi là khá rộng. Do vậy, đề nghị rà soát, thu hẹp danh mục ngành nghề ưu đãi tại khoản này.

co che dac thu anh 2

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị làm rõ tiêu chí nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25.000 tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính khi thu hút lĩnh vực công nghệ cao vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.

Về các ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với các ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược tại TP.HCM vì chính sách tính chi phí được trừ và ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế là tương đồng như chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm tại tỉnh Khánh Hòa.

Để làm rõ cơ sở pháp lý, sự tác động ngân sách, tính công khai, minh bạch, công bằng, đề nghị làm rõ căn cứ đối với chính sách “hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố”.

Làm rõ tiêu chí điều chỉnh quy hoạch

Trong báo cáo thẩm tra, về cho phép Thành phố được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 120% số thu được hưởng theo phân cấp, đa số của ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất và căn cứ nêu trong tờ trình vì nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án đến năm 2030 của TP.HCM là rất lớn. Trong khi theo tính toán, từ sau năm 2026, Thành phố không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp. Do vậy, để tạo thêm dư địa, nguồn lực cho TP.HCM thì việc quy định nâng trần mức vay là cần thiết.

Về bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia và từ một số khoản thu ngân sách hưởng 100%, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với quy định tại dự thảo nghị quyết.

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách Về tài chính, ngân sách cũng đồng ý về đề xuất sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa TP.HCM và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

co che dac thu anh 3

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc thay đổi quy hoạch. Ảnh: QD.

Theo đánh giá, TP.HCM đã và đang giữ vai trò là đầu tàu kinh tế, có trách nhiệm với cả vùng Đông Nam bộ và cả nước. Với nguồn lực lớn, việc cho phép sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính của TP.HCM là cần thiết, khả thi.

Về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, đa số ý kiến cơ bản nhất trí. Để chính sách phát huy tối đa tác dụng, không làm ảnh hưởng lớn đến người dân, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị trong tổ chức thực hiện cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân và uy tín của các cấp chính quyền.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, tránh tình trạng diện tích ngày càng thu hẹp khi cho phép nhiều địa phương áp dụng chính sách chuyển đổi này.

Về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, dự thảo nghị quyết quy định việc phân cấp cho UBND TP.HCM thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; quy định cụ thể các điều kiện về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đa số ý kiến nhất trí về điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo chủ động cho TP.HCM và chính sách này cũng tương đồng như các địa phương đã được cho phép thí điểm như Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hải Phòng. Để làm rõ căn cứ, thuận lợi trong triển khai thực hiện, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị nghiên cứu, quy định rõ khái niệm “lợi ích quốc gia, công cộng” trong nghị quyết.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

Phê duyệt mức giá tạm thời cho 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời

Đến ngày 24/5, đã có 19/85 dự án năng lượng tái tạo với công suất tổng cộng 1.347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm.

cơ chế đặc thù

Tp. Hồ Chí Minh

chơ chế cho tphcm

đặc thù tphcm

cơ chế tp hcm

đặc thù tp hcm

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 26, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top