Thị trường hóa thạch khủng long đang bùng nổ

Những bộ hóa thạch khủng long không chỉ có giá trị lớn cho các nghiên cứu khoa học mà còn mang về nguồn lợi khổng lồ cho nhiều cá nhân, tổ chức.

Khối hóa thạch “Duelling Dinosaurs” chứa bộ xương của một con T-Rex và một con khủng long ba sừng. Ảnh: AP.

Theo ​​The Economist, tại một vùng đất cằn cỗi ở Montana (Mỹ), anh Clayton Phipps, đang săn lùng những chiếc sừng khủng long. Đây là công việc mà anh thừa hưởng từ cha và ông của mình.

Những bộ xương mà anh Phipps khai quật sẽ được bán lại cho những người mua tiềm năng. Năm 2006, anh phát hiện ra mẫu hóa thạch nổi tiếng có tên “Duelling Dinosaurs” (khủng long giao đấu). Sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài, một bảo tàng tại Carolina đã chi 6 triệu USD để mua lại khối hóa thạch này.

Ngành kinh doanh gây tranh cãi

Những “thợ săn khủng long” như anh Phipps đã tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường hóa thạch. Mặt khác, những nhà sưu tập tư nhân giàu có lại chiếm một phần không nhỏ trong nguồn cầu.

Sự bùng nổ bắt đầu vào năm 2018 khi nhà đấu giá Aguttes bán bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con khủng long ăn thịt với giá 2,4 triệu USD.

khung long anh 1

Mẫu hóa thạch “Stan” là bộ xương khủng long đắt nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, vào năm 2020, thị trường đã thực sự chấn động khi bộ hóa thạch toàn vẹn nhất từng được tìm thấy ở loài T-Rex có tên gọi “Stan” thu về số tiền lên tới 31,8 triệu USD. Đây là bộ hóa thạch khủng long có giá cao nhất thế giới hiện tại.

“Kể từ đó, nhu cầu giao dịch các mẫu vật khủng long đã tăng lên rất cao. Trong hai năm qua, ít nhất 6 mẫu hóa thạch đã được bán với giá từ 6 triệu USD trở lên. Đợt bán đấu giá lớn tiếp theo có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 7”, bà Cassandra Hatton, người đứng đầu bộ phận lịch sử tự nhiên tại Sotheby, cho biết.

Một số nhà khoa học lại kịch liệt phản đối các thương vụ như trên. Những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của các khối hóa thạch trong mắt các nhà sưu tập là độ hiếm, tính độc đáo và sự hoàn chỉnh. Đây cũng chính là những điều khiến các mẫu vật này có giá trị về mặt khoa học. Các viện bảo tàng và tổ chức công có ngân sách eo hẹp sẽ khó lòng có được những mẫu vật khi chúng liên tục bị đẩy giá trị lên cao.

“Các nhà khoa học có khả năng mất đi cơ hội nghiên cứu hóa thạch khi chúng rơi vào tay tư nhân”, giáo sư Paul Barrett, nhà cổ sinh vật học tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho biết.

Lo ngại của vị giáo sư đã xảy ra trong thực tế. Bộ xương khủng long được Aguttes bán đấu giá vào năm 2018 đã không còn được xuất hiện trước công chúng kể từ đó đến nay. Do đó, nhiều tạp chí khoa học đã từ chối công bố các nghiên cứu về hóa thạch do tư nhân nắm giữ.

Dấu ấn từ các nhà sưu tập

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp các nhà sưu tập tích cực hỗ trợ giới khoa học. Ông Niels Nielsen, người từng là chủ ngân hàng đầu tư tại Đan Mạch, có mua một bộ xương T-Rex vào năm 2014. Tuy nhiên, người này sau đó đã gửi mẫu hóa thạch này tới bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Berlin (Đức) theo dạng cho mượn dài hạn và hoàn toàn miễn phí.

khung long anh 2

Nhiều người sẵn sàng cho các bảo tàng mượn những mẫu hóa thạch triệu USD để nghiên cứu và trưng bày. Ảnh: The New York Times.

Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Mỹ. Một doanh nhân đã mua bộ hóa thạch “Big John”, mẫu vật lớn nhất của loài khủng long ba sừng từng được tìm thấy, với giá 7,7 triệu USD. Hóa thạch này sẽ được gửi cho bảo tàng Trẻ em Glazer dưới hình thức cho mượn dài hạn.

“Mối quan tâm của chúng tôi trong việc mua ‘Big John’ và các mẫu vật khác trước hết là để cung cấp cho công chúng và nghiên cứu khoa học”, vị doanh nhân chia sẻ.

Vào cuối năm 2022, Sotheby đã thu về 6,1 triệu USD nhờ việc bán “Maximus”, một hộp sọ của T-Rex. Tuy nhiên, đại diện công ty vẫn tỏ vẻ tiếc nuối vì nếu mẫu vật được tìm thấy sớm hơn, nhiều bộ phận sẽ không bị phong hóa nặng nề.

“Trong thực tế, hầu hết tổ chức công không có nhân lực và kinh phí cần thiết dành cho các hoạt động khai quật. Những nhà sưu tập tư nhân khi ấy sẽ là nguồn hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức công”, tiến sĩ Oliver Rauhut, người phụ trách bảo tàng Cổ sinh vật học ở Munich, nhận định.

Tại Mỹ, hóa thạch sẽ thuộc về chủ nhân sở hữu mảnh đất có mẫu vật đó. Ngoài ra, các giao dịch về xương khủng long cũng được coi là hợp pháp tại quốc gia này. Ngược lại, ở Trung Quốc, Mông Cổ, Brazil hay Argentina, hóa thạch được coi là tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, điều đó lại khiến các bộ xương được mua bán nhiều hơn tại thị trường chợ đen. Do tính bất hợp pháp của chúng, những mẫu vật này gần như không thể được đưa vào nghiên cứu khoa học.

Phá kho hàng lậu hơn 1 tỷ đồng bán qua sàn thương mại điện tử

Cơ quan chức năng TP Hà Nội vừa phát hiện kho hàng chứa hơn 28.000 sản phẩm mỹ phẩm, đồ gia dụng… không rõ nguồn gốc.

Nhiều khu vực ở TP.HCM bị cắt điện hàng tiếng đồng hồ

Những ngày gần đây, nhiều công ty, hàng quán tại một số khu vực ở TP.HCM buộc phải tạm ngưng hoạt động, trong khi các hộ gia đình cũng chật vật vì bị cắt điện.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

khủng long

hóa thạch khủng long

khai quật

hóa thạch

T-Rex

khủng long bạo chúa

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 21, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top