Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Chỉ trong ngày 12/5, đã có 3 ngân hàng thông báo giảm lãi suất với các khoản huy động tiền gửi từ người dân ở nhiều kỳ hạn, trong đó giảm mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm.

Nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi của khách hàng cá nhân từ đầu tháng 5. Ảnh: Chí Hùng.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó ghi nhận xu hướng giảm ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của nhà băng này đã giảm từ 5,4%/năm xuống còn 5,1%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm %, xuống 7,2%/năm.

Cùng với Vietcombank, VPBank và TPBank cũng là hai nhà băng thông báo giảm lãi suất huy động kể từ hôm nay.

Trong đó, biểu lãi suất niêm yết mới nhất áp dụng từ ngày 12/5 của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng giảm về 7,2%/năm.

TPBank cũng giảm đến 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.

Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã áp dụng việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động như HDBank, Agribank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank…

Cụ thể, từ ngày 9/5, HDBank đã giảm thêm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 8,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dưới hình thức gửi tiết kiệm online.

Với các kỳ hạn 1-5 tháng, HDBank hiện đưa ra mức lãi suất kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép ở 5,5%/năm, áp dụng với cả kênh quầy và online; tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất gửi tại quầy cố định ở 6,8%/năm và gửi online là 6,9-8,3%/năm; ở kỳ hạn dài 18 tháng trở lên, các mức lãi suất với kênh quầy và online tại HDBank lần lượt là 6,8-7%/năm và 6,9-7,1%/năm.

Tương tự, từ ngày 11/5, lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng tại Agribank cũng đã đồng loạt giảm 0,2 điểm %, xuống còn 7%/năm. Nhà băng này cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

OCB cũng giảm tới 1,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên; CBBank giảm lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng, từ 9,7%/năm xuống 9,05%/năm, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này giảm từ 9,8%/năm xuống 9,15%/năm.

KienlongBank đã giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất huy động hiện ở mức 7%/năm với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xoay quanh mức 7,6-7,75%/năm.

Có thể thấy, nhóm bốn ngân hàng thương mại Nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank hiện vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường, quanh mức 7-7,2%/năm nếu gửi tại quầy. Tương tự là các kỳ hạn 6-11 tháng với lãi suất phổ biến ở 5,8-5,9%/năm.

Dù vậy, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại nhóm Big 4 này vẫn tích cực tính trong 3 tháng đầu năm nay.

Tại Vietcombank, tổng số dư tiền gửi khách hàng trong quý I đã tăng 3,1%, đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng. Tương tự, VietinBank cũng ghi nhận tiền gửi của khách hàng tăng 1,9%, lên 1,27 triệu tỷ đồng

Thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường đã ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt. Trong đó, lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng tư nhân nới rộng đà giảm trong tháng 4 trong khi lãi suất nhóm ngân hàng quốc doanh giảm thấp hơn.

Các chuyên gia cho rằng thời điểm này vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian tới. Theo đó, lãi suất huy động của ngân hàng có thể giảm còn 7%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Hiện tại, dù đã giảm khá sâu so với giai đoạn cao điểm, mặt bằng lãi suất huy động vẫn cao hơn khá nhiều so với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 314.000 tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. Đến cuối tháng 2, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này tại các tổ chức tín dụng đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc giảm lãi suất điều hành

Đây là chia sẻ của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị “Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” do NHNN tổ chức chiều 11/5.

Người mua nhà ở xã hội được vay lãi suất 4,8%/năm

Từ ngày 10/5, mức lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 13, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top