Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.
Sản phẩm bảo hiểm Manulife phân phối qua ngân hàng SCB. Ảnh: Manulife. |
Trong thông báo kết luận cuộc họp về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có những chỉ đạo đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an liên quan đến vấn đề này.
Chỉ đạo của thành viên Chính phủ được ban hành trong bối cảnh thị trường bảo hiểm thời gian gần đây có nhiều bất cập về các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như bị ngân hàng ép mua kèm khoản vay hay bị đại lý bảo hiểm cung cấp thông tin không rõ ràng…
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về các bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.
“NHNN phải có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Các ngân hàng cần khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định. Ngân hàng cũng thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu sớm hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm. Giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp các bộ, cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh trật tự của thị trường, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các tổ chức, các nhân vi phạm.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, lũy kế đến hết tháng 3, toàn thị trường có gần 13,69 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tăng 3,5% so với cùng thời điểm năm ngoái, tuy nhiên số hợp đồng đã giảm hơn 235.000 so với cuối năm 2022.
Riêng năm 2022, đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý vi phạm về quy định tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ.
Hiện tại, cả thị trường có 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức. Trong đó, kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang mang về nguồn thu lớn.
Số liệu từ hiệp hội cho thấy trong năm vừa qua, đã có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Thêm hơn 100 người nộp đơn tới Công an TP.HCM tố cáo Manulife và SCBSáng 20/4, nhiều khách hàng đã tập trung tại Công an TP.HCM để nộp hơn 100 đơn tố cáo liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Manulife phân phối qua Ngân hàng SCB. |
Hiệp hội bảo hiểm: Đây là khủng hoảng lớn nhất lịch sử ngànhÔng Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu thiệt đơn thiệt kép với cuộc khủng hoảng niềm tin này. |
chấn chỉnh bán bảo hiểm
Chính phủ
bảo hiểm
ngân hàng
bán bảo hiểm
bảo hiểm nhân thọ
manulife
phó thủ tướng
Theo: Zing News
Comments are closed.