Theo đại biểu Quốc hội, quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân nhưng lại giao doanh nghiệp quản lý, sử dụng tiền vào mục đích khác sẽ “không công bằng”.
Trong quý IV/2022, các đầu mối xăng dầu đã trích thêm 2.155 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ. Ảnh: Phạm Thắng. |
Góp ý dự thảo Luật giá (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 6/4, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước.
Liên quan đến quỹ bình ổn giá, vị đại biểu cho rằng cần hạn chế mức thấp nhất vận động người dân, doanh nghiệp tham gia vào quỹ bình ổn này.
“Quỹ bình ổn giá là do Nhà nước trực tiếp quản lý và Nhà nước phải đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến như giá xăng dầu thời gian qua thì Nhà nước sử dụng để can thiệp vào thị trường. Quỹ bình ổn giá là của Nhà nước mà vận động người dân tham gia thì sẽ không hay”, ông nhìn nhận.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của dân nhưng doanh nghiệp lại quản lý, sử dụng”
Về vấn đề duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng nên duy trì quỹ này vì quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã tham gia vào thị trường, hạn chế mức giá trần của xăng dầu.
Tuy nhiên, hiện nay quỹ này giao cho doanh nghiệp quản lý là không hợp lý mà giao cho Bộ Tài chính bởi quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân mà giao doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng tiền vào mục đích khác sẽ “không công bằng với người dân”.
Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu quản lý hợp hơn. Theo kinh tế thị trường không nên có quỹ bình ổn này tuy nhiên do tình hình Việt Nam đang khó khăn về xăng dầu, do đó đại biểu cho rằng Chính phủ phải có lộ trình và tiến tới không sử dụng quỹ này đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.
Tương tự, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng chỉ ra bất cập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông, làm sao quy định rõ cơ chế quản lý làm sao để công khai minh bạch quỹ bình ổn này và hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Thời gian qua, đại biểu cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu này có rất nhiều bất cập, bởi đây là quỹ không dùng ngân sách Nhà nước nhưng do doanh nghiệp trích lập và sử dụng song lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng cần rõ cơ chế quản lý vận hành quỹ bình ổn giá một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích. Ảnh: Phạm Thắng. |
“Bên cạnh đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của dân, khi giá xăng dầu thấp thì thị trường thấp, tức giá 10 đồng nhưng người dân phải mua 13 đồng và dùng 3 đồng trích vào quỹ bình ổn. Nhưng khi giá tăng lên cao bù 3 đồng vào để giảm, nhưng thực ra vẫn là tiền của dân”, ông dẫn chứng.
Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp quản lý quỹ không công khai minh bạch, rõ ràng, thậm chí doanh nghiệp cũng “kêu khổ”. Theo đó, đại biểu đề nghị xem xét kỹ, nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và xây dựng kho dự trữ của Nhà nước.
Nên duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu
Liên quan đến vấn đề định giá, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, dự thảo luật sẽ quy định theo hướng Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn phương pháp định giá chung, đối với các giá chuyên ngành, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quản lý, đối với các mặt hàng chuyên ngành thì do cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì.
Về quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Thời gian qua, quỹ bình ổn này đã phát huy hiệu quả, cần duy trì để bình ổn giá, ổn định cuộc sống người dân. Ngoài quỹ bình ổn còn có biện pháp liên quan đến thuế, phí…
Báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu.
Nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: Việt Linh. |
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách và Cơ quan soạn thảo cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở…”, bà nói.
Trong trường hợp vẫn giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Bộ Công Thương không muốn bỏ quỹ bình ổn xăng dầuTheo Bộ Công Thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước điều hành mức tăng giảm giá. Nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu. |
Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.600 tỷ đồngTrong quý IV/2022, các thương nhân đầu mối đã trích thêm 2.155 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá mặt hàng và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ, giúp số dư đến cuối năm đạt 4.617 tỷ đồng. |
quỹ bình ổn xăng dầu
Quảng Nam
quỹ bình ổn
quỹ bình ổn giá
bỏ quỹ bình ổn
quỹ bình ổn xăng
đại biểu quốc hội
giá bình ổn
giá xăng dầu
Theo: Zing News
Comments are closed.