Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I không đạt, TP.HCM đặt trọng tâm ngay trong tháng 4 sẽ nâng cao tỷ lệ tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ.
“Không ngoài dự báo, trước những tác động của kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế TP tiếp tục đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP không đạt chỉ tiêu”, dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý I, nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023 của UBND TP.HCM gửi Chính phủ nhìn nhận.
Thực tế, Cục Thống kê TP.HCM cho biết GRDP quý I ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010, chỉ số này tương ứng đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Nhiều lĩnh vực gặp khó, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng
Theo nhận xét của Cục Thống kê TP.HCM, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có khởi sắc hơn so với 2 tháng trước nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số IIP giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sự sụt giảm nặng nề được ghi nhận ở 15/30 ngành công nghiệp cấp II, 3 ngành công nghiệp truyền thống cùng một số sản phẩm công nghiệp khác.
Tình hình xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm gặp khó dẫn đến nguồn thu ngân sách từ khu vực xuất, nhập khẩu giảm 11,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP theo đó cũng giảm 1,5% so với cùng kỳ và chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) giảm 8,5%.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý I/2023 so với cùng kỳ các năm gần đây | |||||
Dữ liệu: Cục Thống kê TP.HCM. | |||||
Nhãn | Quý I/2020 | Quý I/2021 | Quý I/2022 | Quý I/2023 | |
% | 1.09 | 5.46 | 0.29 | 0.7 |
Ở khối dịch vụ, tuy các doanh nghiệp có nhiều chương trình giảm giá, kích cầu nhưng mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ còn chậm do lượng khách quốc tế đến TP không nhiều, hoạt động bất động sản, ăn uống, vui chơi giải trí chưa phục hồi mạnh như trước đại dịch.
Báo cáo Chính phủ về các hạn chế trong quý I, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận thị trường bất động sản và tài chính gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nợ xấu ở nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, với 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.
Những diễn biến này khiến số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
“Tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành còn chậm”, báo cáo của UBND TP.HCM nói thêm.
Sẽ nâng tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ
Với diễn biến này, trong quý II, TP.HCM đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP nhằm đề xuất giải pháp quản lý, điều hành kịp thời, không để bị động.
Riêng trong tháng 4, TP sẽ rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, hoàn thiện đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ.
TP cũng sẽ rà soát các quy hoạch gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng phát triển công nghiệp TP trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng đề án mở rộng Khu Công nghệ cao hiện hữu và nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP theo hướng nghiên cứu hợp nhất các cơ quan có chức năng xúc tiến thương mại.
TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ ngay trong tháng 4. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các tháng tới, TP tập trung hoàn thành đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022-2026 và chương trình kích cầu đầu tư; triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của 47 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc TP…
Đặc biệt, đánh giá hiệu quả thực thi của Nghị quyết 33, Nghị định 08 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các Quyết định số 313, 314 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất điều hành để có những đánh giá, biện pháp thích ứng phù hợp.
Bên cạnh đó, TP sẽ khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm của 3 ngành cơ khí – tự động hóa, cao su – nhựa và chế biến thực phẩm, kế hoạch phát triển ngành logistics, tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, chương trình bình ổn thị trường, kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2023.
“Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; tổ chức rà soát, có phương án hiệu quả xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư”, UBND TP.HCM nêu rõ.
Song song đó, TP chủ động phối hợp với các Ủy ban Quốc hội và các cơ quan Trung ương tiếp thu, rà soát Đề án dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5, đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% là rất đáng loTheo TS Nguyễn Trí Hiếu, TP.HCM được xem là đầu tàu của cả nước nhưng đang trì trệ do những dư âm còn sót lại của Covid-19 và ảnh hưởng những vấn đề kinh tế năm 2022. |
TP.HCM tăng trưởng thấp nhất 5 TP trực thuộc Trung ươngTP.HCM được xếp loại nằm trong top 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước, xếp hạng 56 trong tổng số 63 tỉnh thành. |
tphcm
grdp tphcm
Tp. Hồ Chí Minh
tăng trưởng tphcm
tăng trưởng kinh tế
ubnd tphcm
cục thống kê tphcm
Theo: Zing News
Comments are closed.