Lãi suất qua đêm tụt dốc

Thị trường liên ngân hàng đang phản ứng mạnh sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND qua đêm liên tục lao dốc.

Lãi suất vay mượn tiền Đồng giữa các ngân hàng đã rẻ hơn gần 4 lần so với đầu tháng 3. Ảnh: Hoàng Hà.

Thị trường tiền tệ đang ghi nhận những biến động tương đương giai đoạn “tiền rẻ” từ năm 2020 đến giữa năm 2022 với lãi suất cho vay VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm sâu, hiện đã mất mốc 2%/năm.

Theo kết quả đấu thầu trên thị trường mở ngày 23/3 của Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành tiếp tục chào mua giấy tờ có giá kỳ hạn 28 ngày từ các thành viên thị trường, tuy nhiên, không có bất kỳ ngân hàng nào tham gia giao dịch trong phiên. Đáng chú ý, đây đã là phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp, NHNN không phát sinh giao dịch mua – bán giấy tờ có giá, tín phiếu kỳ hạn mới nào trên thị trường mở.

Lãi suất qua đêm về thời tiền rẻ

Trong hai phiên liền trước 21-22/3, NHNN cũng liên tục chào mua giấy tờ có giá kỳ hạn 28 ngày với mục tiêu bơm tiền cho các ngân hàng thương mại có nhu cầu, nhưng không có giao dịch nào được thực hiện.

Thực tế, tính từ đầu tuần đến nay, NHNN mới thực hiện mua khoảng 215,5 tỷ đồng khối lượng giấy tờ có giá từ các thành viên thị trường (toàn bộ có kỳ hạn 28 ngày) và không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu hút tiền nào. So với những tuần liền trước, khối lượng giao dịch phát sinh mới trên thị trường mở của NHNN đã giảm rất mạnh.

Còn nếu tính từ ngày 15/3 (thời điểm NHNN bắt đầu giảm lãi suất điều hành), cơ quan quản lý tiền tệ mới thực hiện mua kỳ hạn tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ các ngân hàng và cũng không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu hút tiền nào.

Diễn biến kể trên cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ở trạng thái cân bằng hơn nhiều so với hai tháng đầu năm, khiến dòng vốn từ NHNN trên thị trường mở ế ẩm.

Không chỉ ghi nhận thay đổi lớn trên thị trường mở, sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất cho vay VND trên thị trường 2 (kênh liên ngân hàng) cũng đã biến động rất mạnh với đà tụt dốc của lãi suất qua đêm.

LÃI SUẤT QUA ĐÊM TỤT DỐC SAU KHI NHNN GIẢM LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH
Kết quả đấu thầu trên thị trường mở của NHNN và diễn biến lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tháng 3. Nguồn: NHNN; Tổng hợp.
Nhãn 1/3 2 3 6/3 7 8 9 10 13/3 14 15 16 17 20/3 21 22 23/3
Mua kỳ hạn (Bơm tiền) tỷ đồng 3999.99 4499.99 5999.99 1746.24 7405.5 1322.09 7770.54 3999.99 1364.54 754.13 562.48 424 0 215.5 0 0 0
Bán kỳ hạn (hút tiền) -5600 -12500 -14900 -19500 -18900 -22700 -7500 -14999.8 0 0 0 0 0 0 0 0 0
Lãi suất qua đêm %/năm 5.97 6.38 6.4 6.22 6.07 5.98 6.22 6.22 6.17 5.72 5.06 4.14 3.4 2.7 2.05 1.6 1.6

Cụ thể, từ mức trên 6%/năm trước đó, lãi suất cho vay VNĐ qua đêm giữa các ngân hàng đã giảm liên tục về 5%/năm, 4%/năm, 3%/năm rồi 2%/năm trong các phiên tiếp theo. Đến phiên 22/3, mức lãi suất này đã chính thức mất mốc 2%/năm, thấp nhất kể từ tháng 8/2022.

Cùng xu hướng này, các mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn 1 tuần và 2 tuần cũng giảm về vùng 2-3%/năm, từ mức 6-7%/năm trước khi NHNN hạ lãi suất điều hành.

Như vậy, tính từ thời điểm NHNN giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay VND qua đêm trên kênh liên ngân hàng đã giảm tới hơn 4 điểm %, đồng nghĩa với việc chi phí các ngân hàng vay mượn chéo nhau đã rẻ đi gần 4 lần.

Đáng chú ý, trong khi lãi suất VND trên kênh này liên tục đi xuống thì lãi suất USD lại đang duy trì khá ổn định ở vùng 4-5%/năm với các kỳ hạn qua đêm và 1-2 tuần. Điều này khiến chênh lệch lãi suất VND và USD trên kênh liên ngân hàng một lần nữa rơi xuống mức âm. Thậm chí, khác với những lần rơi xuống mức âm hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay, mức chênh lệch âm lần này đã lên tới gần 3 điểm % khi lãi suất cho vay USD trên kênh liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức trên 4,4%/năm với kỳ hạn qua đêm.

Trước đó, NHNN đã rất tích cực sử dụng công cụ bơm – hút tiền trên thị trường mở để điều tiết lượng tiền VND trong hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất cho vay VND cao hơn USD, bình quân ở mức 6%/năm. Tuy nhiên, sau khi hạ một loạt lãi suất điều hành, lãi suất VND đã liên tục giảm sâu.

Thậm chí, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp mới nhất, lãi suất USD trên kênh liên ngân hàng có thể còn tăng trong thời gian tới, qua đó nới rộng chênh lệch âm so với lãi vay VND.

Tỷ giá USD/VND có đáng lo?

Theo các chuyên gia, thông thường, khi chênh lệch lãi suất VND và USD rơi xuống mức âm ở các kỳ hạn ngắn và siêu ngắn, sẽ xảy ra tình trạng đầu cơ chênh lệch lãi suất ở ngay trong hệ thống ngân hàng. Các nhà băng sẽ có xu hướng găm giữ USD, từ đó gây áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, nói với Zing, ông Trần Ngọc Báu, Founder kiêm CEO Wigroup cho rằng trong bối cảnh hiện tại, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ không quá lớn. Vị chuyên gia lý giải hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dư thừa và dường như NHNN đã ghi nhận số liệu trả về cho thấy thặng dư thương mại quý I tương đối lớn.

“Dĩ nhiên không thể kỳ vọng mức thặng dư lớn như giai đoạn 2018-2019, nhưng sẽ ở mức khá và số lượng thặng dư đó giúp NHNN tính toán đủ nguồn lực để can thiệp vào thị trường nếu cần thiết”, ông Báu phân tích.

NHNN có dư địa để duy trì một mức lãi suất thấp hơn và đi trước Fed trong việc giảm lãi suất. Bản thân Fed đã ghi nhận xu hướng tăng lãi suất chậm lại và có thể đảo chiều vào cuối năm nay

Ông Trần Ngọc Báu, Founder kiêm CEO Wigroup

Bên cạnh đó, CEO Wigroup cũng cho biết bối cảnh tâm lý hiện tại cũng đã khác so với 6-9 tháng trước. Nửa cuối năm 2022, thị trường rất sợ VND mất giá so với USD, chính tâm lý này khiến nhà đầu tư găm giữ đồng bạc xanh nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay, thị trường đã không còn kỳ vọng USD tăng mạnh mà ngược lại còn kỳ vọng ngoại tệ này giảm giá, tâm lý găm giữ USD từ đó cũng không còn.

“Điều này giúp NHNN có dư địa để duy trì một mức lãi suất thấp hơn và đi trước Fed trong việc giảm lãi suất. Bản thân Fed đã ghi nhận xu hướng tăng lãi suất chậm lại và có thể đảo chiều vào cuối năm nay”, ông Trần Ngọc Báu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng cần đề phòng một rủi ro rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra là hệ thống ngân hàng Mỹ đổ vỡ dây chuyền, kéo theo áp lực lên hệ thống tài chính toàn cầu. Khi đó, tỷ giá USD/VND sẽ rất căng thẳng, bởi lúc này nhu cầu trú ẩn vào USD toàn cầu sẽ tăng ngoài tầm kiểm soát.

Cùng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cho rằng áp lực tỷ giá USD/VND hiện tại không đáng ngại nhờ cán cân thanh toán tích cực trong quý I. Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ… cũng đang được duy trì ở mức vừa phải. “Tỷ giá USD/VND có chịu áp lực nhưng sẽ không bị ảnh hưởng lớn”, ông nhấn mạnh.

NHNN chỉ đạo cấp tín dụng cho dự án bất động sản đủ pháp lý

Trước đề nghị mở rộng hạn mức tín dụng cho ngành bất động sản của cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án đủ điều kiện.

Thấy gì từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước

Các chuyên gia cho rằng NHNN giảm lãi suất có mục tiêu chính là “đi trước đón đầu” trong điều hành chính sách, đồng thời cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã lành mạnh hơn.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

lãi suất qua đêm

lãi suất lnh

lãi suất ngân hàng

lãi suất

cho vay

huy động

lãi suất vnd

usd

tỷ giá

ngân hàng nhà nước

nhnn

thị trường mở

Theo: Zing News

Posted on Tháng Ba 24, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top