Tổng công ty Dầu VN thông tin về việc cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo

Tổng công ty Dầu VN – CTCP (PVOIL) đưa thông tin phản hồi về việc cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo và giải pháp khắc phục.

xang dau,  dau khi anh 1

Ngày 20/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định số 157/QĐ-SGDHN về việc đưa cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP vào diện cảnh báo với lý do: “Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên”. Ngày đưa vào diện cảnh báo là 23/3.

Nỗ lực xử lý các vấn đề còn tồn đọng

Liên quan đến sự việc, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) đã đưa ra thông tin chính thức. Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất của PVOIL năm 2022 có 3 ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, cụ thể như sau:

Đầu tiên, khoản đầu tư của PVOIL vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB – công ty liên kết của PVOIL), là chủ đầu tư dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ với giá trị 272,72 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Khoản đầu tư này phát sinh từ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa PVOIL (ngày 31/12/2015).

Hiện nay, dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ đã dừng thi công và PVB đang được xem xét phương án phá sản theo quy định pháp luật. Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi phần vốn góp của PVOIL vào tài sản thuần của PVB từ ngày đầu tư đến ngày 31/12/2022. Vì vậy, đơn vị này không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên BCTC hợp nhất của PVOIL hay không.

xang dau,  dau khi anh 2

Cửa hàng xăng dầu PVOIL.

Thứ hai, khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền là 169,79 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Đây là khoản lỗ tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC – công ty con của PVOIL) trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 30/6/2010) đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 18/05/2011), đang chờ các cấp thẩm quyền (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Bộ Tài chính) phê duyệt quyết toán, xác định cụ thể giá trị phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty PETEC ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu nói trên, nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên BCTC hợp nhất của PVOIL hay không.

Thứ 3, giá trị của các lô đất của Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn – công ty con của PVOIL). Đây là 6 lô đất do PVOIL Sài Gòn đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền là 29,7 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên PVOIL Sài Gòn hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về quyền sử dụng đất và thời gian thuê đất nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên BCTC hợp nhất của PVOIL hay không.

Thực tế, các điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước khi PVOIL cổ phần hóa. Vì vậy, các vấn đề này đã tồn tại trên BCTC của PVOIL ngay từ khi mới chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần. Trong thời gian qua, PVOIL đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, xử lý các điểm tồn đọng nêu trên.

Giải pháp khắc phục tình trạng cảnh báo

Theo đại diện PVOIL, do nhiều lý do khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách của Nhà nước nên các vấn đề tồn đọng được công ty nỗ lực xử lý nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Về điểm ngoại trừ số 1, khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB) đã phát sinh từ trước khi cổ phần hóa PVOIL. Việc thi công xây dựng dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành và đã dừng thi công từ năm 2013. Dự án này chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán nên chưa ghi nhận tăng tài sản liên quan dự án trên sổ sách kế toán của PVB.

Do đó, PVB chưa ghi nhận lỗ phát sinh từ dự án này. Theo quy định của chuẩn mực kế toán và các quy định hướng dẫn về trích lập dự phòng đầu tư tài chính hiện hành, khoản đầu tư vốn vào PVB chưa đủ cơ sở để PVOIL trích lập dự phòng đầu tư tài chính.

Trong quá trình lập hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, PVOIL đã có văn bản trình các cơ quan quản lý đề xuất được xác định lại khoản đầu tư này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi công ty cổ phần). Đồng thời, trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại PVB, PVOIL sẽ nộp toàn bộ về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, PVOIL vẫn chưa nhận được hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Về điểm ngoại trừ số 2, theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, khoản lỗ tại PETEC trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 30/6/2010) đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 18/5/2011) sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt khi quyết toán cổ phần hóa.

Về phía trách nhiệm của PVOIL/PETEC, doanh nghiệp đã trình hồ sơ quyết toán cổ phần hóa cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Đồng thời, PVOIL/PETEC thường xuyên theo dõi sát sao, sẵn sàng giải trình bổ sung thông tin, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ quyết toán cổ phần hóa của PETEC vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Về điểm ngoại trừ số 3, thực tế, giá trị các lô đất bị kiểm toán ngoại trừ trên BCTC đã giảm từ 60,1 tỷ đồng tại 31/12/2018 xuống còn 29,7 tỷ đồng tại 31/12/2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, các cơ quan quản lý địa phương chậm giải quyết nên vẫn còn một số lô đất của PVOIL Sài Gòn chưa hoàn thiện thủ tục.

Hàng năm, khi công bố thông tin BCTC kiểm toán công ty mẹ và hợp nhất, PVOIL đều kèm theo văn bản giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và đăng tải trên website của PVOIL https://www.pvoil.com.vn/quan-he-co-dong theo đúng quy định.

xang dau,  dau khi anh 3

PVOIL nỗ lực khắc phục tình trạng cảnh báo của cổ phiếu OIL.

Theo đại diện PVOIL, các điểm ngoại trừ nói trên không ảnh hưởng trọng yếu đến định hướng, kế hoạch phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL. Đồng thời, điều này cũng không ảnh hưởng đến việc tồn tại cũng như giao dịch cổ phiếu OIL trên sàn Upcom. Thực tế, kết quả sản xuất kinh doanh của PVOIL được cải thiện theo thời gian. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, PVOIL đạt mức doanh thu và lợi nhuận hợp nhất cao, thị phần ngày càng mở rộng và uy tín thương hiệu gia tăng trên thị trường.

Kết quả sản xuất kinh doanh của PVOIL được cải tiến theo thời gian:

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2021

2022

So sánh 2022 với 2021

1

Sản lượng kinh doanh xăng dầu

Nghìn m3

3.154

4.048

128%

2

Tổng doanh thu hợp nhất

Tỷ đồng

58.299

104.833

180%

3

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất

Tỷ đồng

928

912

98%

Bên cạnh việc nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, PVOIL cũng đang hướng tới mục tiêu đưa cổ phiếu OIL lên niêm yết tại sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để tăng tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu, tối ưu quyền lợi cho cổ đông. Đại diện PVOIL cam kết trong thời gian tới sẽ nỗ lực hơn nữa để khắc phục tình trạng “cảnh báo”, góp phần đáp ứng các điều kiện chuyển cổ phiếu OIL sang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, đối với điểm ngoại trừ số 1, PVOIL sẽ làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để tìm kiếm giải pháp xử lý triệt để trên tinh thần hài hòa giữa lợi ích của cổ đông và tuân thủ quy định pháp luật.

Đối với điểm ngoại trừ số 2, PVOIL sẽ tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ hơn đối với các cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết triệt để vấn đề quyết toán cổ phần hóa PETEC.

Đối với điểm ngoại trừ số 3, PVOIL sẽ quyết liệt hơn nữa trong làm việc với cơ các cơ quan quản lý địa phương nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý các lô đất của PVOIL Sài Gòn.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Ba 23, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top