Ủy ban Quản lý vốn được Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị, Chính phủ đưa kế hoạch.
Chỉ đạo hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc ngày 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã trăn trở nhiều năm, đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách về phát triển doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty là mô hình mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư Nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Ủy ban và các doanh nghiệp đã đạt được. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.
Thủ tướng đánh giá đóng góp của 19 tập đoàn, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
4 năm không có dự án mới
Theo Thủ tướng, trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã chủ động giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác.
Thủ tướng chỉ ra ba nguyên nhân chủ quan lớn gồm vướng mắc về pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn nói chung chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; cần sự nỗ lực, cố gắng, chủ động hơn nữa của Ủy ban và các doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các cơ quan liên quan cần chủ động xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 tập đoàn, tổng công ty. Việc triển khai nhiệm vụ năm 2023 có khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Do đó, Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty nâng cao nhận thức và trách nhiệm với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và các chính sách khác.
Ngoài ra, cần điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cần đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, thích ứng điều kiện mới và hoàn cảnh Việt Nam.
Ủy ban Quản lý vốn được giao tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị để hoàn thiện mô hình tốt nhất, tách bạch quản lý Nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Chủ động xử lý dứt điểm 8 dự án cần cơ cấu lại
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch được Chính phủ giao. Trong đó, tích cực, chủ động xử lý dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ có kế hoạch. Với 4 dự án, doanh nghiệp còn lại, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý để trình Bộ Chính trị.
Ủy ban Quản lý vốn cũng phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số…
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp giải quyết khó khăn liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất… của doanh nghiệp. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đặt mục tiêu có thể báo cáo Thường vụ Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023.
10 dự án với vốn 260.000 tỷ của các doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độTheo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đang có 10 dự án chậm tiến độ, số vốn ước tính khoảng 260.000 tỷ đồng. |
Lập ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụngThủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm trưởng ban, các phó trưởng ban gồm Phó thủ tướng Lê Minh Khái (phó trưởng ban thường trực) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
ủy ban vốn nhà nước
vốn nhà nước
Chính phủ
ủy ban
quản lý vốn
thủ tướng
doanh nghiệp nhà nước
19 doanh nghiệp
Theo: Zing News
Comments are closed.