VinaCapital: Chứng khoán sẽ tăng mạnh trong ít nhất 5 năm tới

Công ty quản lý quỹ nhận định nền kinh tế và thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, nhà đầu tư trong ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất, VinaCapital nhận định các sự kiện tiêu cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, một số yếu tố đang trở nên tốt lên và đồng thời xuất hiện những yếu tố tích cực mới cho năm 2023.

Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn còn một số thách thức, trở ngại. Tuy nhiên, mức định giá đang ở vùng thấp trong 10 năm trở lại đây là hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

6 yếu tố tích cực

Thứ nhất, lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh. Chỉ số hàng hóa toàn cầu của Bloomberg lập đỉnh vào tháng 6/2022 và giảm khoảng 16% vào thời điểm cuối năm ngoái. Lạm phát tại Mỹ cũng lập đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, từ đó giảm dần theo từng tháng.

VinaCapital,  chung khoan,  dau tu anh 1

Chứng khoán trong ngắn hạn còn nhiều thách thức nhưng định giá đang hấp dẫn trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: Duy Hiệu.

Thứ hai, VinaCapital dự báo các ngân hàng trung ương sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Việc tăng lãi suất trong năm 2023 đã ít nhiều được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Năm ngoái, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần, từ mức 0%-0,25% lên mức 4,25%-4,5%. Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 nhưng mức tăng sẽ ít hơn nhiều do áp lực lạm phát đã giảm xuống.

Thứ ba, áp lực về lãi suất và tỷ giá trong nước đã giảm đáng kể. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm về dưới 5% và các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5% cho tất cả kỳ hạn.

Áp lực về tỷ giá giảm đáng kể nhờ xu hướng đồng USD yếu đi kể từ tháng 9/2022 (chỉ số DXY giảm 9% kể từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2022). Tiền đồng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn từ đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại của Việt Nam.

Thứ tư, đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2023. Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 61% so với số ước thực hiện năm 2022. Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng.

Thứ năm là Trung Quốc mở cửa trở lại. Việc quốc gia này dừng chính sách Zero-Covid và mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Khách Trung Quốc từng chiếm khoảng gần 1/3 khách quốc tế đến Việt Nam trước Covid-19.

Việc mở cửa của Trung Quốc còn giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng lớn, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Thứ sáu là định giá hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Vào thời điểm cuối năm 2022, VN-Index được giao dịch ở mức P/E cho năm 2023 khoảng 10 lần, thuộc vào vùng định giá rẻ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Mức P/E này thấp hơn khoảng 30% so với các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN (trong khi mức chiết khấu của giai đoạn trước 2022 chỉ khoảng 15%). Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy sự hấp dẫn này và đã mua ròng khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 11-12/2022.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường

Với nhiều làn gió tích cực mới, chuyên gia VinaCapital nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, tuy nhiên hoàn toàn có thể duy trì mức tăng cao 6,5-7% trong giai đoạn 2023-2025.

Tăng trưởng kinh tế cao sẽ tích cực cho hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết. Các doanh nghiệp trong năm 2023 có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu, tiêu dùng và áp lực lãi suất vẫn còn cao.

Tuy nhiên, từ năm 2024, khi áp lực lạm phát không còn, các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời các khó khăn và thách thức trong nội tại nền kinh tế Việt Nam đã được giải quyết, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ quay trở lại mức hai con số.

Điểm sáng về kinh tế của Việt Nam trong 3-5 năm tới cùng triển vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là động lực quan trọng để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Theo VinaCapital

Kỳ vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi cũng là tín hiệu tích cực, nhất là sau Nghị quyết phát triển thị trường vốn tháng 7/2022. Chính phủ nhấn mạnh nội dung khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường nhằm thu hút vốn, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán và các công ty thành viên đang tiến hành chạy thử hệ thống giao dịch mới KRX. Đây là hệ thống có thể đáp ứng được các yêu cầu về triển khai sản phẩm mới, rút ngắn thời gian giao dịch, giúp đáp ứng được các yêu cầu về nâng hạng thị trường mới nổi.

“Điểm sáng về kinh tế của Việt Nam trong 3-5 năm tới cùng triển vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là động lực quan trọng để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước”, theo VinaCapital.

Quy mô của thị trường chứng khoán sẽ còn mở rộng nhờ vào thanh khoản tăng lên và vẫn còn nhiều doanh nghiệp có khả năng niêm yết mới trong những năm tới (cả doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước).

Cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn tăng trưởng cao trong ít nhất 5 năm tới và chuyên gia VinaCapital tin rằng các nhà đầu tư trong ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Chứng khoán bật tăng trước Tết

Thị trường trong ngày giao dịch cuối năm Nhâm Dần tiếp tục bứt phá để lên mức cao nhất 3,5 tháng, có hơn 721 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư sang tay.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

Theo: Zing News

Posted on Tháng Một 26, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top