Theo Bộ Tài chính, sau hơn 2 tháng triển khai việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng ôtô đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính và chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Với chủ trương mở rộng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo về việc tiếp tục sắp xếp, triển khai khoán kinh phí sử dụng ôtô công.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà Bộ Tài chính được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, các đơn vị sẽ ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe với các chức danh được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. 2 đơn vị áp dụng quy định này là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC, Ngân hàng Phát triển Việt Nam – VDB.
Như vậy, thay vì được đưa đón, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của SCIC và VDB sắp tới được áp dụng cơ chế khoán kinh phí xe công.
Theo kết quả rà soát của Bộ Tài chính, năm 2015 cả nước thừa 7.000 xe công. Ảnh minh họa. |
Bộ trưởng cũng giao các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe và lái xe hiện có theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng tiêu chuẩn, định mức. Các doanh nghiệp thuộc diện này bao gồm Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam – DATC, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam – Vietlott, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM – HSX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam – VSD.
Bộ trưởng cũng yêu cầu chấn chỉnh các trường hợp các chức danh không có tiêu chuẩn đưa đón xe công từ nơi ở đến nơi làm việc nhưng đang được bố trí sử dụng xe.
Đối với Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng quản trị công ty triển khai việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô với một số chức danh được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc (Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT…) và đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ trên đều phải được hoàn tất và báo cáo Bộ trước ngày 31/12. Các đơn vị, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.
Với các cục, Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính giao Cục Kế hoạch – Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ, xây dựng và thực hiện phương án điều chuyển ôtô, lái xe về quản lý tập trung tại đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ.
Đối với các đơn vị sự nghiệp còn lại, Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng ôtô và lái xe hiện có đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tiêu chuẩn, định mức.
Mức khoán của các thứ trưởng Bộ Tài chính. Đồ họa: P.Loan |
Trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện khoán kinh phí đưa đón xe công từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh từ Tổng cục trưởng trở lên.
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định theo công thức: Mức khoán đưa đón = đơn giá khoán x số km khoán x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.
Mức khoán cao nhất một Thứ trưởng nhận được cho khoảng cách 15 km là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất đối với là 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng.
Ngày 2/11 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30 – 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ Tài chính là đơn vị đi đầu và vẫn “đơn độc” trong việc áp dụng cơ chế khoán xe công.
Comments are closed.