Masan lần đầu chi hàng nghìn tỷ đồng trả cổ tức

Ngày 22/11, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố nghị quyết về việc thông qua và gửi thư xin ý kiến cổ đông phê duyệt kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50% và chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30%.

Cụ thể, Masan sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu ở thời điểm chốt danh sách để tăng vốn điều lệ theo tỷ lệ 50% (tỷ lệ 2:1), tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 01 cổ phiếu mới. Nguồn vốn để thực hiện được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cùng với đó, Masan cũng chi trả cổ tức bằng tiền năm 2015 và tạm ứng cổ tức năm 2016 theo tỷ lệ 30%, tương ứng mỗi cổ phần nhận được 3.000 đồng.

Kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền và phát hành cổ phiếu thưởng dự kiến sẽ hoàn tất trong Quý 1 năm 2017.

Mới đây, Masan cũng đã đề nghị cổ đông thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 12 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư MRC Ltd., một quỹ đầu tư được đồng quản lý bởi Tập đoàn Đầu tư Fortress và Mount Kellett với mức giá 95.000 đồng cho mỗi cổ phần.

Ngoài ra, MSN cũng có kế hoạch sẽ phát hành trái phiếu quốc tế (trái phiếu không chuyển đổi) có giá trị tối đa không quá 300 triệu USD. Tuy nhiên, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của Masan sẽ tùy thuộc vào các điều kiện thị trường và phù hợp với các kế hoạch đầu tư chiến lược tổng thể của Công ty.

Theo Báo cáo tài chính tháng 9/2016, Masan Group hiện có 8.460 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Hiện tại, Masan có 756 triệu cổ phiếu đang niêm yết và 768 triệu cổ phiếu nếu tính cả đợt phát hành riêng lẻ cho MRC. Với tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền như trên thì MSN sẽ phải chi trả khoảng 2.300 tỷ đồng cho các cổ đông.

Masan lan dau chi hang nghin ty dong tra co tuc hinh anh 1
Doanh thu và lợi nhuận 9 tháng năm 2016 của Masan tăng vọt so với năm 2015. Đồ họa: P. Diệp

Động thái xin ý kiến cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt của Hội đồng quản trị MSN lần này khá bất ngờ. Bởi vì tại Đại hội cổ đông thường niên được tổ chức vào tháng 3/2016 thì Ban lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Như vậy, đây là lần đầu tiên MSN tiến hành chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông kể từ sau 7 niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2009.

Nguyên nhân được lý giải trong các năm trước đây là Masan hoạt động theo mô hình Holdings (công ty mẹ – công ty con), khoản lợi nhuận kiếm được hàng năm chủ yếu để chi vào những thương vụ mua bán sáp nhập hay đầu tư mới.

Ngày 23/11, cổ phiếu MSN trên sàn chứng khoán có giá 63.900 đồng/cổ phiếu nhưng đã nhanh chóng tăng hết biên độ lên 68.300 đồng/cổ phiếu và còn dư mua hơn 74.000 đơn vị sau khi tin tức về việc MSN lần đầu chi trả cổ tức bằng tiền mặt được thông báo.

Năm 2015, Masan có doanh thu hợp nhất 30.628 tỷ đồng và lợi nhuận thuần sau thuế 1.478 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2016, Masan đặt kế hoạch doanh thu 45.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2015.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của MSN cho thấy, doanh nghiệp này đạt 31.471 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 2.533 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2015 và đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

So sánh tỷ phú Vingroup và ông chủ của Masan

Cùng khởi nghiệp với mì gói trên đất Đông Âu nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tiến sĩ “nghèo” Nguyễn Đăng Quang lại đi theo những hướng khác nhau khi về Việt Nam.

Từ tiến sĩ nghèo đến ông chủ tỷ đô của Masan

Mức lương tiến sĩ 67.000 đồng/tháng không đủ nuôi gia đình là động lực quan trọng để ông Nguyễn Đăng Quang vươn lên trở thành ông chủ của “đế chế” Masan.

Posted on Tháng Mười Một 22, 2016 in Tin tức

Share the Story

Back to Top