MSN lo ngại kết quả kinh doanh

Nhiều khả năng, kết quả kinh doanh năm 2016 của MSN sẽ bị ảnh hưởng do người tiêu dùng đang nghi vấn MSN đứng sau vụ dàn dựng sự kiện nước mắm truyền thống nhiễm asen.

Vốn hóa giảm 3.250 tỷ đồng

MSN đang sở hữu 85,7% vốn điều lệ của Masan Consumer, chuyên về kinh doanh ngành hàng gia vị. Masan Consumer hiện đang dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng (thực phẩm và đồ uống) với những thương hiệu như: nước mắm Nam Ngư, nước tương Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi, Vinacafe, nước khoáng Vĩnh Hảo, bia Sư Tử Trắng… bên cạnh sản phẩm thịt chế biến gồm xúc xích và đồ hộp. Với nghi vấn MSN là “nhân tố bí ẩn” trong vụ dàn dựng nước mắm nhiễm asen đã khiến CP MSN ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ngay thời điểm hiện nay, khó có thể hình dung những hệ lụy từ vụ nước mắm nhiễm asen đang tác động lên MSN, ngoại trừ lãnh đạo của doanh nghiệp. NĐT chỉ có thể biết được con số cụ thể khi doanh nghiệp này công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2016. Thậm chí, nhiều NĐT còn nhận định có thể MSN sẽ phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2016 xuống để tránh nguy cơ bể kế hoạch.

Nếu tính từ thời điểm cuối tháng 9 trở lại đây, MSN liên tục sụt giảm và chỉ duy nhất 1 phiên tăng. Dù mức giảm mỗi phiên không quá lớn nhưng với lượng CP niêm yết cực lớn nên vốn hóa của MSN sụt giảm rất mạnh.

Cụ thể, mức giá cuối tháng 9 của MSN 70.000 đồng/CP, nhưng đến phiên giao dịch hôm qua (26/10) giá MSN giảm chỉ còn 65.700 đồng/CP. Với 756 triệu CP đang niêm yết trên HOSE (tương đương vốn điều lệ 7.561 tỷ đồng), vốn hóa của MSN “bốc hơi” 3.250 tỷ đồng, từ 52.920 tỷ đồng xuống còn 49.669 tỷ đồng.

Có lẽ người cảm nhận được sự khó khăn nhất của MSN trong bối cảnh này chính là bà Nguyễn Hoàng Yến, người nắm giữ nhiều CP MSN nhất (28,7 triệu CP). Bà Yến cũng là vợ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN và hiện đang xếp vị trí thứ 11 những người giàu nhất trên TTCK. Sau loạt phiên giảm giá trên, tài sản của bà Yến cũng bị “bốc hơi” hơn 123 tỷ đồng xuống còn 1.885 tỷ đồng.

Trên thực tế, giá CP MSN đã giảm trong 1 năm trở lại đây mặc dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tương đối tích cực. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, MSN đã giảm khoảng 10.000 đồng, tương đương vốn hóa giảm 7.561 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến MSN kém hấp dẫn do cơ cấu công ty khá phức tạp và chồng chéo; nợ vay lớn (nợ ngắn hạn và dài hạn lên đến 36.932 tỷ đồng, chiếm 54% trong tổng nguồn vốn). Bên cạnh đó, việc MSN 8 năm liền không chi trả cổ tức mà chỉ phát hành ESOP chính là điểm trừ tiếp theo của doanh nghiệp này.

Đặc biệt, kể từ tháng 8, giá CP MSN còn bị ảnh hưởng bởi thông tin thanh tra hoạt động môi trường tại mỏ Núi Pháo. CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources), MSN sở hữu 99,9% vốn điều lệ, là doanh nghiệp đang quản lý và khai thác dự án Núi Pháo ở tỉnh Thái Nguyên với kim loại chủ yếu là vonfram (kim loại dùng trong các ứng dụng chịu nhiệt độ cao, như dây tóc bóng đèn, thiết bị sưởi, các vòi phun động cơ tên lửa) và các kim loại khác là tungsten, bismuth, florit và đồng. Núi Pháo được MSN mua lại từ năm 2010 và khi đi vào hoạt động sẽ chiếm 36% thị phần vonfram thế giới, đứng thứ 2 sau Trung Quốc (chiếm 60% thị phần).

MSN lo ngai ket qua kinh doanh hinh anh 1

Ảnh minh họa.

Rủi ro bể kế hoạch

Thông thường, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của MSN được NĐT kỳ vọng do các mảng kinh doanh đều sẽ tăng trưởng tích cực. Trong đó, mảng thực phẩm của Masan Consumer trong 6 tháng cuối năm thường mang lại 60% doanh thu do tính thời vụ.

Tuy nhiên, ít nhiều sự tẩy chay từ người tiêu dùng sau sự kiện nước mắm nhiễm asen sẽ khiến kết quả kinh doanh năm 2016 của MSN bị tác động mạnh, do đóng góp từ lĩnh vực kinh doanh vào công ty mẹ rất lớn. Cụ thể, theo BCTC quý II, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 của MSN đạt 19.141 tỷ đồng (tăng 83,8% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 45,6% kế hoạch doanh thu cả năm 2016). Trong đó, mảng thực phẩm và đồ uống đạt 6.345 tỷ đồng (tăng 7,9% và đóng góp 33% trong tổng doanh thu của tập đoàn).

Với kết quả này, cuối tháng 7 vừa qua, MSN đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016 bằng việc tăng lợi nhuận thuần lên gần 2.400 tỷ đồng (tăng thêm 25%). Thế nhưng, với tình cảnh như hiện nay việc điều chỉnh này đã trở thành sự thay đổi bất hợp lý. Thậm chí, MSN còn đối mặt khả năng các đối tác dừng hợp tác một khi người tiêu dùng đẩy mạnh tẩy chay các sản phẩm của MSN trong thời gian tới.

Thực ra nếu không có vụ nước mắm nhiễm asen, kỳ vọng của NĐT vào MSN cũng không còn lớn do lo ngại về áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực này. Thực tế, MSN nói chung và ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng nói riêng sẽ chịu nhiều thách thức từ áp lực cạnh tranh mạnh sau khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do và TPP. Thời gian vừa qua chứng kiến sự thâm nhập sâu rộng của các đại gia bán lẻ nước ngoài, hàng hóa nước ngoài ngày càng nhiều là mối đe dọa đối với ngành hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cho MSN nói riêng.

Posted on Tháng Mười 26, 2016 in Tin tức

Share the Story

Back to Top