Ngày 11/10, tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016, ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đánh giá đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, quy mô lớn trên thế giới.
“Các đại gia của chúng ta hiện nay chủ yếu đến từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Trong khi cuộc cách mạng thứ 4 về công nghệ đang ập đến, các lợi thế về lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên và thậm chí là vị trí địa lý cũng sẽ không còn là lợi thế nữa”, ông nói.
Ngày kinh doanh, tối lo quan hệ
Vị này nêu thực tế không ít doanh nhân thời gian qua lăn lộn thương trường, thành công nhờ quan hệ mà không cần phải học hành gì.
“Đừng cố gắng đầu tư vào quan hệ nữa! Một môi trường bình đẳng sẽ không còn đất cho quan hệ. Phải vì trách nhiệm xã hội, hãy là doanh nhân chứ không là trọc phú”, ông Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá nhiều đại gia Việt thời gian qua lăn lộn thương trường, thành công nhờ quan hệ mà không cần phải học hành gì. Ảnh: Infonet. |
Khẳng định đã qua rồi thời các doanh nhân đi lên bằng quan hệ, không cần học hành và kinh doanh dựa trên khai thác tài nguyên, ông Lộc cho rằng các doanh nhân cần phải học hỏi, tập trung vào công nghệ và nâng cao khả năng quản trị.
“Bây giờ phải học thôi. Chiến lược kinh doanh phải rõ ràng tập trung vào cốt lõi chứ không thể lan man mãi được. Doanh nghiệp nhỏ mà có chuẩn mực toàn cầu thì vẫn trụ vững còn nếu doanh nghiệp lớn lan man thì cũng ko tồn tại lâu được”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI nêu quan điểm với sự quan tâm của Chính phủ, môi trường kinh doanh ngày càng trở nên minh bạch và thuận lợi hơn thì sẽ không còn tình trạng “ngày kinh doanh, tối lo quan hệ” như hiện nay.
“Chính phủ quyết bỏ cơ chế xin cho, doanh nghiệp chống quan hệ đang là xu hướng chính của công cuộc cải cách để hình thành một Chính phủ kiến tạo, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng nhắn nhủ các doanh nhân không nên vô cảm với xã hội mà cần kinh doanh bằng trái tim, ngược lại không thể bền vững.
Ông dẫn chứng Bill Gates khi bỏ học để lập phần mềm không hề nghĩ đến việc kiếm tiền mà chỉ mong giúp được nhiều người trên thế giới. Tương tự, Steve Jobs tạo ra máy tính vì hy vọng mỗi gia đình sẽ có một chiếc máy tính ở trong bếp. Còn Mark Zuckerberg sáng lập mạng xã hội Facebook với mong muốn kết nối mọi người với nhau.
Không nên khoác cho doanh nhân quá nhiều áo
Tại diễn đàn, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định vai trò của doanh nhân Việt từ trước đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức.
“Ở nước ta, khi một ai đó trở nên giàu có, mọi người xung quanh thường có cái nhìn tiêu cực. Dư luận sẽ đặt câu hỏi rằng liệu có gì đằng sau không”, ông Du nói.
Trước thực tế trên, ông Du cho rằng chúng ta không nên “khoác” cho các doanh nhân quá nhiều chiếc áo. Hãy đánh giá họ dựa trên lợi nhuận họ tạo ra cho bản thân và công ty mình.
Trong khi đó, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng doanh nhân cũng là những nhà cải cách. Họ cải thiện năng suất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững. “Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp sẽ rõ ràng hơn khi Việt Nam hội nhập”, vị này khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đuống cho rằng để hội nhập, doanh nghiệp Việt phải nâng cao trình độ, cập nhật đầy đủ thông tin và kiến thức, tìm hiểu về luật pháp, quy định không chỉ trong nước mà cả quốc tế, để hoạt động sản xuất, giao thương với đối tác nước ngoài được thuận lợi hơn.
CEO Việt không muốn ngồi kêu khổ nữaCác CEO tại Việt Nam không muốn ngồi kêu khổ, than khó. Họ muốn làm nhiều hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn và thể hiện tinh thần chủ động của người kinh doanh. |
Comments are closed.