Nhiều doanh nghiệp tôm ở miền Tây đang tăng tốc sản xuất để giao hàng cho đối tác khiến giá tôm tăng nhẹ. Một số nơi tôm bị thiệt hại nên nguyên liệu về nhà máy không nhiều.
Ngày 13/6, công nhân Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) kéo được 8 tấn tôm thẻ trong 2 ao lót bạt, kích cỡ 40-50 con/kg. Chủ ao ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) dự kiến thu hoạch trên 10 tấn nếu tôm đạt kích cỡ lớn hơn nhưng phải thu hoạch sớm vì thời tiết bất lợi.
Ông Lưu Trường Giang, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, cho biết trung bình mỗi ao tôm đạt năng suất 4-5 tấn, người nuôi thu lãi 150-200 triệu đồng. Hiện, giá tôm tăng nhẹ do cung không đủ cầu.
“Giá tôm đang tăng do lượng tôm nguyên liệu ở các vùng nuôi ít lại. Vụ này nông dân nuôi tôm khó, đa số không thành công từ lúc tôm còn nhỏ”, ông Giang chia sẻ.
Hiện, doanh nghiệp của ông Giang mua tôm thẻ 20 con/kg với giá 220.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với 10 ngày trước. Tôm 25 con chỉ có giá 175.000 đồng, 30 con 144.000 đồng, và 100 con giá 99.000 đồng/kg.
Sức mua tôm của thế giới giảm
Cùng ngày, ông Trịnh Văn Hiếu (42 tuổi, ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) thu hoạch ao tôm thẻ cuối cùng tại vùng nuôi gần sông Cổ Cò. Ba ao tôm trước, ông Hiếu chỉ thu hoạch được hơn 6 tấn, đủ vốn đầu tư thức ăn và con giống.
“Ao tôm còn lại tôi tập trung chăm sóc với mong muốn đạt kích cỡ 20 con/kg nhưng khó nuôi quá. Năm nay nắng mưa bất thường, tôi quyết định kéo ao tôm còn lại chỉ đạt 2 tấn, kích cỡ 30 con/kg. Vụ này gia đình tôi chỉ thu lãi hơn 200 triệu đồng sau hơn 3 tháng nuôi”, ông Hiếu chia sẻ.
Nhiều nhà máy thủy sản ở miền Tây không đủ tôm nguyên liệu để sản xuất. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp tôm trong Khu Công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng), nguyên liệu vào nhà máy không đủ nhu cầu sản xuất của đơn vị vì còn nhiều đơn hàng. Không vì vậy mà giá tôm tăng cao vì so với tháng 12/2021, giá hiện nay thấp hơn 10-15%.
“Năm nay tôm nuôi thiệt hại khá nhiều và chậm lớn. Tôm thẻ loại 20 con khan hiếm. Tôm sú 20 con/kg giá cao hơn tôm thẻ 10.000-15.000 đồng. Tôi thấy nông dân miền Tây đang gánh nhiều chi phí trong nghề nuôi tôm”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Theo một chuyên gia thủy sản có thâm niên hơn 30 năm trong nghề chế biến tôm xuất khẩu thì tôm Ecuado và Ấn Độ đang thu hoạch. Những năm trước 2 nước này bán tôm sang thị trường Trung Quốc với số lượng nhiều nhưng năm nay Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm do dịch Covid-19. Vì vậy, tôm Ecuado và Ấn Độ đang dịch chuyển sang thị trường Mỹ và châu Âu để bán với giá rẻ, khiến giá tôm thế giới giảm.
Còn theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nghịch lý hiện nay là một số doanh nghiệp không đủ tôm cho công nhân làm nhưng xuất khẩu tôm tháng 6 dự kiến giảm so với cùng kỳ do sức mua các nước giảm. Một số hợp đồng của doanh nghiệp này được đối tác yêu cầu lùi thời gian giao hàng vì bán chậm.
“Sức mua của mặt hàng tôm giảm do ảnh hưởng lạm phát cao và xung đột Nga-Ukraine. Xuất khẩu tôm trong tháng 6 của công ty chúng tôi không cao vì doanh nghiệp không chạy theo doanh số”, ông Phục nói.
Giá tôm trong nước cao hơn cùng kỳ
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay địa phương có hơn 40.278 ha tôm được thả nuôi, đạt 53,7% so với kế hoạch và bằng 127% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tôm thu hoạch trong hơn 5 tháng đầu năm của tỉnh này ước đạt gần 48.000 tấn.
Trong tuần qua, Sóc Trăng có hơn 190 ha tôm thiệt hại, nhiều nhất là huyện Mỹ Xuyên (171,7 ha). Tổng diện tích tôm bị thiệt hại trong hơn 5 tháng qua tại Sóc Trăng hơn 1.229 ha, chiếm 3,8% diện tích thả nuôi (cao hơn 95,9 ha so với cùng kỳ).
Thống kê của ngành nông nghiệp thuộc thủ phủ tôm ở miền Tây cho thấy giá tôm thẻ loại 20 con đang giao động 230.000-240.000 đồng/kg, tăng 14.000 đồng so với cùng kỳ. Đối với loại 100 con/kg tăng đến 18.000 đồng so với tháng 6/2021.
Thu hoạch tôm thẻ tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Nói với Zing, ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (Giá Rai, Bạc Liêu), cho biết địa phương này đang vào vụ thu hoạch tôm. Một số doanh nghiệp không đủ nguyên liệu để mua vì đơn hàng nhiều hoặc tập trung dự trữ tôm.
Theo ông Diệu, tôm Ecuado và Ấn Độ rất nhiều, giá bình quân thấp hơn Việt Nam từ 70 cent đến 1 USD nên không chỉ Mỹ mà thị trường châu Âu đang tập trung mua tôm của những nước này.
“Mặc dù tôm Ecuado và Ấn Độ bán nhiều sang Mỹ và châu Âu nhưng kỹ nghệ chế biến tôm của họ không bằng Việt Nam. Ở miền Tây có nhiều doanh nghiệp có lợi thế về chế biến sâu, tạo ra hàng giá trị gia tăng. Còn Ecuado và Ấn Độ xuất sang Mỹ, châu Âu chủ yếu là hàng sơ chế, không có nhiều hàng giá trị gia tăng như Việt Nam”, ông Diệu phân tích.
Tôm được giá, doanh nghiệp lo cuối năm gặp khóCác công ty chế biến tôm đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp nhận định sẽ có nhiều bất lợi từ nay đến cuối năm. |
Nhà máy tôm thiếu nguyên liệu
CTCP Nam Việt
giá tôm tăng nhẹ
khan hiếm tôm 20 con
Sóc Trăng
Bạc Liêu
Theo: Zing News
Comments are closed.