Hủy đại chúng hãng dược lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam

Động thái này diễn ra sau khi công ty dược bán cho đối tác ngoại với tỷ lệ sở hữu hơn 99% vốn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Pymerpharco (Mã chứng khoán: PME), sau khi một cổ đông nước ngoài mua gom đến 99,5% vốn.

Hồi cuối năm 2020, đại hội cổ đông bất thường của Pymepharco đã thông qua việc cổ đông lớn Stada Service Holding B.V (Đức) và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Đồng thời, Hội đồng quản trị khi đó cũng được thay đổi với sự xuất hiện của các thành viên bên phía Stada. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2021 giảm từ 11 người còn 9 người.

Stada Service Holding là công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức). Cổ đông nước ngoài này đầu tư vào Pymepharco từ năm 2008 và sau đó trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn.

Thời gian qua, nhóm cổ đông đến từ Đức còn tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu thông qua việc chào mua công khai cổ phiếu PME với giá 85.000 đồng/cổ phiếu. Trong lần gần nhất, Stada đăng ký mua cổ phần PME để tăng tỷ lệ nắm giữ từ 99,53% lên 100% vốn điều lệ trong thời gian 18/8-11/11.

Theo Luật chứng khoán 2019, công ty đại chúng phải thuộc trường hợp có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Như vậy Pymepharco đã vi phạm điều khoản trên khi Stada đã nắm giữ hơn 99,5% vốn.

VỐN HÓA CÁC CÔNG TY DƯỢC PHẨM
Tại ngày 22/10
Nhãn Dược Hậu Giang Pymepharco Imexpharm Traphaco Bidiphar Domesco
Giá trị vốn hóa Nghìn tỷ đồng 12.9 6.2 4.9 3.7 2.7 2.1

Pymepharco được thành lập năm 1989, tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên. Từ một nhà phân phối ở địa phương, công ty nhanh chóng phát triển thành nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam với hệ thống nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, hệ thống phân phối với 19 chi nhánh trên cả nước cùng các văn phòng đại diện, cửa hàng chuyên doanh.

Đầu năm 2018, Pymerpharco còn khởi công xây dựng Nhà máy Dược phẩm PME II, có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng trên diện tích hơn 30.000 m2 tại Phú Yên. Nhà máy dược phẩm PME II được đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật EU – GMP.

Kết quả kinh doanh của Pymepharco cũng ghi nhận kết quả khả quan. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ghi nhận kỷ lục hơn 304 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đã thực hiện được 66% kế hoạch cả năm.

Công ty niêm yết cổ phiếu PME lần đầu trên sàn HoSE vào năm 2017 và đến nay có thị giá 82.500 đồng/cổ phiếu. Với hơn 75 triệu cổ phiếu đang niêm yết, Pymerpharco được định giá ở mức gần 6.200 tỷ đồng, đứng thứ hai trong số các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm (chỉ xếp sau Dược Hậu Giang).

Ngành nào có lợi thế sau đại dịch Covid-19?

Công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm, bán lẻ, du lịch,… là những ngành nghề có cơ hội phát triển sớm hơn các ngành nghề khác sau đại dịch Covid-19.

Các công ty dược phẩm

Nước ngoài mua công ty dược

Stada Service Holding

Ngành dược phẩm

Dược Pymerpharco

Theo: Zing News

Posted on Tháng Mười 26, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top