Hơn nửa tháng đón hàng trăm nghìn người hồi hương, miền Tây đối mặt nguy cơ bùng dịch, đe dọa đến chuỗi cung ứng lao động khi có nhiều công nhân ở Bạc Liêu dương tính nCoV.
Hai ngày qua, các chốt kiểm soát Covid-19 trên quốc lộ 1 ở miền Tây được gỡ bỏ dần. Đây là điều kiện để người dân đi lại thuận tiện, nhất là lao động các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… trở lại Cần Thơ, TP.HCM làm việc.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, cho biết 2 ngày qua Bệnh viện Hoàng Tuấn tiếp nhận hàng trăm trường hợp xét nghiệm nCoV cho lao động trẻ tuổi. Ngoài số ít là tài xế, còn lại là người lao động ở các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Long Phú… của tỉnh Sóc Trăng, đang cần giấy xét nghiệm kết quả âm tính nCoV để qua các chốt thuận lợi và trình cho công ty, xí nghiệp.
Đi lại liên vùng dễ dàng hơn
Trao đổi với Zing, chị Ngô Thị Cẩm Tiên (ngụ huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), cho biết sau 3 tháng về quê tránh dịch, ngày 20/10, người phụ nữ này quay lại Cần Thơ làm việc. Do chỉ mới tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19 nên chị Tiên đã đi xét nghiệm để có thêm “giấy thông hành” âm tính nCoV.
“Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt Sóc Trăng và Hậu Giang hướng dẫn tôi rất nhiệt tình. Các anh cho tôi cam kết không ghé dọc đường, yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú khi về đến Cần Thơ. Trên đường đi, tôi cũng thấy một số anh, chị trở lại TP.HCM làm việc”, chị Tiên nói.
Rất nhiều lao động chờ kết quả xét nghiệm nCoV tại Trung tâm An dưỡng của Bệnh viện Hoàng Tuấn, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân. |
Cùng quê huyện Mỹ Xuyên, anh Trịnh Minh Ròng cho biết công ty của anh ở quận 1, TP.HCM cho nhân viên nghỉ việc từ cuối tháng 6 để tránh dịch. Lúc đó, anh được tiêm một mũi vaccine nên đã về quê xã Gia Hòa 2 đến 20/10 mới trở lại TP.HCM.
“Về quê tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiêm vaccine mũi 2. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV, tôi đã chạy xe máy lên TP.HCM rất thuận lợi. Giấy xét nghiệm của tôi còn thời hạn trong vòng 72 giờ nên tôi nộp cho công ty, không phải xét nghiệm lại”, nam nhân viên làm trong ngành ẩm thực chia sẻ.
Theo anh Ròng, hơn 2 tuần qua thanh niên này chứng kiến rất nhiều người từ TP.HCM và các tỉnh chạy xe máy về quê tránh dịch. Những người bạn của anh cho biết họ sẽ ở nhà đến qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mới trở lại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Trao đổi với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chiều 17/10, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cam kết tạo điều kiện thật tốt để người dân về quê được cách ly, theo dõi sức khỏe nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi người dân hoàn thành cách ly, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiêm đủ 2 liều vaccine và tạo điều kiện cho bà con đi làm ăn xa nếu có nhu cầu.
Công ty Thủy sản sạch Việt Nam lúc cao điểm thu hút 4.000 công nhân của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân. |
“Ngoài việc tạo điều kiện thật tốt cho bà con đi làm ăn, sinh sống ở TP.HCM và các tỉnh, chúng tôi yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp rà soát lại nhu cầu tuyển dụng lao động để giữ chân lao động có tay nghề”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng nói.
Lo ngành tôm miền Tây sụp đổ
Trước làn sóng lao động hồi hương ồ ạt, hàng loạt công ty ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã lên kế hoạch tuyển lao động khi bà con hết thời gian cách ly.
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (chuyên chế biến tôm xuất khẩu tại huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), cho biết đơn vị chuẩn bị thông báo tuyển 500 lao động nữ, 100 công nhân nam với mức lương mỗi tháng từ 7 triệu đồng trở lên. Theo ông Tuấn, sau đợt này, doanh nghiệp tuyển tiếp 500 lao động đợt 2 và sẵn sàng đào tạo nghề miễn phí.
Một số doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu cũng “hiến kế” cho chính quyền địa phương về các phương án tuyển dụng, giữ chân lao động từ dòng người hồi hương. Trong lúc mọi việc diễn ra thuận lợi, dịch Covid-19 bùng lên tại Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi ở phường 1, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu.
Cụ thể, ngày 19/10, một công nhân của Công ty Tấn Khởi vào bệnh viện khám bệnh. Sau khi phát hiện người này nhiễm nCoV, cơ quan chức năng lấy mẫu trên 700 công nhân của doanh nghiệp để xét nghiệm, qua đó phát hiện thêm 96 F0 trong 2 ngày qua.
Sau khi truy vết nguồn lây, ngành y tế nhận định ổ dịch tại Công ty Tấn Khởi phức tạp vì hàng trăm công nhân của doanh nghiệp này có hộ khẩu ở nhiều xã, phường tại thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải. Nguồn lây bệnh được nhận định từ những người đến từ tỉnh ngoài.
Ông Võ Văn Phục – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam – cho biết 3 tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu là trung tâm nuôi và chế biến tôm của Việt Nam. Nếu vùng này bị dịch bệnh tấn công, các nhà máy thủy sản bị đe dọa hoặc đóng cửa, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Các doanh nghiệp thủy sản lo sợ dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động ở miền Tây. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo ông Phục, khi có hàng trăm nghìn người đổ xô về quê cùng một lúc, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất lớn. Khi đó, hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động ngành thủy sản và các ngành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng.
“Dịch bệnh bùng phát sẽ kéo theo vấn đề nghiêm trọng hơn là ngành tôm sẽ bị sụp đổ, kéo theo dây chuyền cho các ngành khác. Theo tôi, Trung ương cần phân bổ khẩn cấp vaccine cho các tỉnh miền Tây để tiêm cho người dân và lao động. Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh trong khu vực là nơi dự trữ lao động cho TP.HCM và Bình Dương. Nếu vùng này bị dịch bệnh tấn công sẽ làm đứt gãy luôn chuỗi cung ứng lao động cho các tỉnh, thành phía nam”, ông Phục đánh giá.
Doanh nghiệp ngành tôm lo bị ảnh hưởng bởi làn sóng người về từ TP.HCMTrước làn sóng người về quê, nhiều tỉnh miền Tây đã áp dụng các biện pháp như dừng cấp giấy đi đường, siết chặt giãn cách. Các doanh nghiệp ngành tôm lo chịu ảnh hưởng gián tiếp. |
Tiền Giang không biết việc 19 doanh nghiệp cầu cứu Thủ tướngSau khi 19 DN có thư gửi Thủ tướng cầu cứu về việc Tiền Giang áp nhiều quy định gây khó, tỉnh này mới gấp rút ra phương án khôi phục sản xuất với lộ trình 3 giai đoạn. |
Theo: Zing News
Comments are closed.