Số liệu về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm cho thấy ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn là 2 nhà đầu tư lớn nhất, với trên 55,6% lượng phát hành.
Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex mới đây đã có thông báo về việc phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm và các kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần) bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4,93%/năm (nhưng không thấp hơn 10,5%/năm).
Đáng chú ý, trái chủ ôm trọn lô trái phiếu này được xác định là một tổ chức tín dụng.
Tương tự, hồi đầu tháng 6, HDBank cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 7 năm, lãi suất cho kỳ thanh toán đầu tiên là 7,775%/năm. Trong đó, trái chủ ôm trọn lô trái phiếu này cũng là một tổ chức tín dụng.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều giao dịch đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng nửa đầu năm nay. Thực tế, số liệu của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho thấy các ngân hàng vẫn là một trong hai nhà đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường hiện nay.
Cụ thể, theo HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nửa đầu năm nay vào khoảng 208.900 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng vừa thuộc nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất vừa là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong đó, có tới 55,6% tổng lượng phát hành là do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 44.400 tỷ đồng trái phiếu phát hành giai đoạn này, tương đương 21,3% tổng lượng phát hành. Trong khi khối lượng mua của nhóm công ty chứng khoán là 71.700 tỷ đồng, chiếm 34,4%.
Nhà đầu tư lớn nhất?
Tuy vậy, theo SSI Research, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đến cuối năm 2020 chỉ vào khoảng 93.000 tỷ đồng nên nhiều khả năng các công ty này chỉ đứng tên mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, nắm giữ ngắn hạn và nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác, trong đó có phần lớn là ngân hàng.
Ngoài 2 nhóm nhà đầu tư lớn nhất kể trên, các tổ chức trong nước khác (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư…) cũng mua 50.800 tỷ đồng trái phiếu nửa năm qua, chiếm 24,3%.
Cuối cùng, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỷ trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Tuy vậy, lượng mua này đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2020 do quy định mới về nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của Bộ Tài chính.
Theo các chuyên gia tại SSI Research, do trái phiếu của các ngân hàng có lãi suất thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác nên nhóm này chủ yếu bán chéo trái phiếu cho nhau.
CƠ CẤU NHÀ ĐẦU TƯ MUA TPDN 6T2021 | |||||||
Nguồn: HNX, SSI Research | |||||||
Nhãn | Ngân hàng | Công ty chứng khoán | Tổ chức trong nước | Tổ chức nước ngoài | Cá nhân | Không rõ | |
Giá trị mua TPDN | tỷ đồng | 44395 | 71744 | 50801 | 6579 | 10919 | 24387 |
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, có 15 ngân hàng đã phát hành 68.200 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân 4,3%/năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng gồm nhóm ngân hàng 17.800 tỷ (26%); công ty chứng khoán 38.300 tỷ (56%); tổ chức trong nước 10.100 tỷ (15%) và cá nhân mua 2.000 tỷ (3%).
Trong số này, 56.600 tỷ đồng, chiếm 83% tổng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm nay có kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất cố định 3-4,2%/năm, trả lãi hàng năm. Đây là mức lãi suất thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6-6%/năm). Và gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên sơ cấp sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác.
Tuy vậy, quy định này đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021/TT-NHNN nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp từ ngày thông tư có hiệu lực là 17/5.
Vì vậy, nếu tính cả phần trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng mua trực tiếp và mua thông qua công ty chứng khoán, các nhà băng có thể mới là nhóm nhà đầu tư trái phiếu lớn nhất.
Theo dữ liệu từ FiinGroup, hơn 70% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là do các ngân hàng nắm giữ. Do đó, ngân hàng vẫn đóng vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp gần gấp đôi tiết kiệmTrong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay chỉ khoảng 5,5-5,6%/năm, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức trên dưới 10%/năm. |
Nhà đầu tư cá nhân không còn ham trái phiếu doanh nghiệpThống kê của Bộ Tài chính cho biết tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp 6 tháng đầu năm nay đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2020. |
Ngân hàng vẫn chuộng trái phiếu doanh nghiệp
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn
trái phiếu doanh nghiệp
ngân hàng đầu tư trái phiếu
nhà băng
ngân hàng
thị trường trái phiếu
lãi suất trái phiếu
tpdn
mua trái phiếu ở đâu
Theo: Zing News
Comments are closed.