Doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM rơi vào thế bí

Lo chỗ ăn ngủ và phí xét nghiệm cho công nhân là điều khó khăn với nhiều doanh nghiệp TP.HCM hiện nay. Thậm chí, việc dừng hoạt động tạm thời cũng gây phát sinh nhiều chi phí.

San xuat cua TP.HCM lam vao the kho anh 1

Ngày 15/7 – ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng quy định “3 tại chỗ” hoặc phương án “1 đường 2 địa điểm” – cũng là ngày nhiều doanh nghiệp bất đắc dĩ phải dừng hoạt động. Tại khu chế xuất Linh Trung 1 và 2, có 23/62 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động.

Tổng cộng 25 trong số 159 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Hiệp Phước với tổng số 2.595 công nhân cũng cũng ngưng hoạt động. Khu chế xuất Tân Thuận hiện cũng chỉ còn 110/250 doanh nghiệp (8.000/65.000 công nhân) tiếp tục vận hành.

Đa số doanh nghiệp tại TP.HCM đang rơi vào thế khó, dừng không được, tiếp tục hoạt động cũng không xong. Bởi nếu tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để đảm bảo “3 tại chỗ”. Còn chấp nhận dừng, lương nhân công, chi phí bảo trì máy móc an ninh, chậm đơn hàng… doanh nghiệp vẫn phải gánh.

San xuat cua TP.HCM lam vao the kho anh 2

Doanh nghiệp muốn hoạt động phải gánh thêm hàng loạt chi phí ăn, ngủ, sinh hoạt và xét nghiệm 7 ngày/lần cho lao động. Ảnh: Hoàng Hà.

Làm sao có thể bố trí nơi ở cho hàng chục nghìn lao động?

Là công ty có lượng công nhân lớn nhất TP.HCM (56.000 người), Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cũng phải chấp nhận tạm dừng hoạt động. Bởi doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm nCoV.

Đại diện Pouyuen Việt Nam cho biết không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi phần lớn diện tích nhà xưởng đều được lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16.

“Nhưng nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Khó có thể đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy trong 10 ngày”, đại diện này nói.

Tương tự, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony (quận Tân Bình) – cũng cho biết bất đắc dĩ chọn phương án dừng hoạt động. Ông cho biết sau khi đọc thông báo tất cả doanh nghiệp muốn hoạt động phải duy trì “3 tại chỗ”, công ty cũng tính đến rất nhiều phương án.

San xuat cua TP.HCM lam vao the kho anh 3

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM đã tạm dừng hoạt động. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tuy nhiên, Dony đành phải bỏ dở giữa chừng vì gặp rất nhiều trở ngại. “Cuối cùng ban lãnh đạo quyết định đóng cửa, tạm dừng hoạt động thay vì cố gắng gồng gánh”, ông thổ lộ.

Người đứng đầu công ty này cho rằng không đơn giản là chuyện tổ chức chỗ ăn, ở mà còn là câu chuyện xét nghiệm. “Trong một ngày công ty không thể xét nghiệm kịp cho toàn bộ công nhân, chưa kể bệnh viện đang quá tải và chi phí mỗi tuần phải trả cho việc xét nghiệm”, ông nói.

Việc dừng sản xuất, công ty ông Quang Anh sẽ bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng, tiền lương, tiền mặt bằng, lãi vay ngân hàng… Ước tính dừng hoạt động trong 2 tuần, doanh nghiệp này phải chi ra gần nửa tỷ đồng để duy trì.

Dừng hoạt động trong 2 tuần, ước tính doanh nghiệp phải chi ra gần nửa tỷ đồng để duy trì.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony (quận Tân Bình, TP.HCM).

“May mắn là nhiều đơn hàng quốc tế và nội địa cũng đã đồng ý giãn, chậm thời gian giao hàng và công ty đã tăng ca làm kịp một số đơn hàng trước đó”, ông Anh nói.

Theo ông, hiện nay đa số doanh nghiệp chỉ mới dừng sản xuất trong 7-10 ngày để nghe ngóng tình hình.

“Nếu chính quyền TP quyết định triển khai phương án ‘3 tại chỗ’ trong 1-2 tháng, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng xoay xở đảm bảo an toàn để tiếp tục sản xuất”, ông phân tích.

“Công ty chi hàng trăm triệu đồng sắp xếp lo cho nhân viên ăn ở, nhưng tôi sợ rằng tình hình dịch phức tạp, lại có thêm thông báo mới khiến công tác chuẩn bị, mọi chi phí sẽ đổ sông đổ bể”, giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony bày tỏ.

Xoay xở để tiếp tục sản xuất và chống dịch

Không lựa chọn đóng cửa, dừng sản xuất, một số công ty tại TP.HCM chật vật tìm cách duy trì hoạt động nhưng cũng vướng phải nhiều khó khăn. Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) sử dụng 2 kho vừa mới xây dựng trong nhà máy làm nơi lưu trú cho khoảng 150 nhân sự, công nhân mỗi khu.

“Toàn bộ hoạt động nấu nướng được công ty thuê đội nấu bên ngoài để phục vụ công nhân”, Tổng giám đốc Trương Chí Thiện cho biết.

“Với nhân viên giao hàng, khi phân phối hàng, họ về lại công ty nhưng chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện”, ông Chí Thiện nói thêm.

Không chỉ gồng mình lo việc ăn, ở cho công nhân mà công ty Vĩnh Thành Đạt còn phải nặng gánh thêm chi phí xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân.

San xuat cua TP.HCM lam vao the kho anh 4

Nhiều doanh nghiệp tìm nơi ở bên ngoài đang rất khó khăn, chưa kể chi phí bị đội lên. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Định kỳ 3-7 ngày/lần sẽ thêm gánh nặng chi phí rất lớn, tốn hàng chục triệu đồng/lần. Trong khi các bệnh viện công lập đang quá tải, lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lấy mẫu đang thiếu hụt trầm trọng, công ty phải tìm đến bệnh viện tư nhân với chi phí lên đến hơn 500.000 đồng/người/lần”, ông Thiện cho hay.

Công ty 3D Hub Global (quận Tân Phú) cũng đang phải gấp rút lo tất cả các vật dụng cá nhân đồng thời đảm bảo việc ăn, ngủ sạch sẽ, an toàn cho 2/3 công nhân ở lại nhà máy.

Dù rất khó khăn, nhưng buộc phải tiếp tục sản xuất vì đơn hàng nhiều, đặc biệt là hàng xuất khẩu phải đảm bảo tiến độ.

Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global.

“Ngoài ra, đơn vị còn bồi dưỡng thêm tiền cho công nhân ngoài tiền lương”, bà Lý Thanh Phong – Giám đốc điều hành công ty – nói.

Theo bà, dù rất khó khăn, công ty buộc phải tiếp tục sản xuất vì đơn hàng nhiều, đặc biệt là hàng xuất khẩu phải đảm bảo tiến độ.

Để tránh lây nhiễm chéo trong công ty, trước mắt công ty sẽ test nhanh Covid-19 cho công nhân hàng tuần và nơi đảm bảo khoảng cách theo quy định đối với nơi làm việc và ăn ngủ của công nhân.

“Điều quan trọng là ý thức của mỗi người, bởi nếu công ty có trang bị đầy đủ mà người lao động không tuân thủ đúng thì việc lây nhiễm chéo là khó tránh khỏi”, bà Phong nói.

Cần hỗ trợ thực phẩm và mặt bằng để công nhân tạm trú

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), hiện nay các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện “3 tại chỗ” và “một con đường hai địa điểm”.

Tuy nhiên ông cho rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nơi ở tạm trú cho công nhân. Một vài đơn vị buộc phải thuê khách sạn cho công nhân ở và hàng ngày có xe đưa đón.

Điển hình tại Khu công nghệ cao có các công ty như Datalogic tổ chức ăn ở tại chỗ cho hơn 150 công nhân, 150 công nhân khác lưu trú tại 5 khách sạn. Công ty Intel bố trí 1.000 công nhân lưu trú tại nhiều khách sạn ở quận 1, quận 9 và quận Phú Nhuận…

Khi áp dụng quy định “một cung đường 2 địa điểm”, một số doanh nghiệp không đáp ứng vì có một điểm đến nhưng lại nhiều điểm đón do phải thuê nhiều khách sạn ở các điểm khác nhau. Đặc điểm từng nhà máy/công ty có ngành nghề khác nhau, cách sử dụng lao động làm việc và giờ giấc rất khác nhau, điều kiện ở khác nhau.

San xuat cua TP.HCM lam vao the kho anh 5

Một doanh nghiệp tận dụng mọi vị trí để làm chỗ ngủ cho công nhân. Ảnh: T.P.

Trao đổi với Zing, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM – cho biết các doanh nghiệp đều đồng thuận với quy định “3 tại chỗ” của chính quyền. Song việc tổ chức đang gặp rất nhiều vấn đề. “Nhiều doanh nghiệp gặp lúng túng về vấn đề chỗ ở, tổ chức ăn uống cho người lao động”, ông nói.

Ông Dũng cho rằng phương án “2 điểm 1 đường” đối với các doanh nghiệp khá máy móc, bất cập cần sửa đổi. Thực tế, 1 doanh nghiệp thuê rất nhiều khách sạn cho người lao động do đó không thể thực hiện đúng như quy định.

“Cần phải linh hoạt, miễn doanh nghiệp không đón dọc đường, ở khách sạn tập trung không ra ngoài”, ông cho hay.

Mong TP.HCM ưu tiên chích ngừa vaccine đồng bộ cho công nhân để sớm được hoạt động liên tục, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, duy trì, phát triển kinh tế.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM

“Nếu quy định ‘3 tại chỗ’ kéo dài doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thách thức rất lớn. Không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp với các đối tác, mà còn đứt gãy ngay trong chính từng đơn vị”, ông nói thêm.

Tính đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận 1.837 ca nhiễm tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Số ca nhiễm từ khi thực hiện Chỉ thị 16 đã giảm lại, trung bình mỗi ngày khoảng 40 ca.

Chiều 15/7, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM và Ban phòng chống dịch về việc hỗ trợ cấp thiết các doanh nghiệp và nhà máy đang thực hiện “3 tại chỗ”, “một đường 2 địa điểm”.

Theo đó, Hiệp hội đề xuất chính quyền quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước.

Về vận chuyển hàng hóa, hiệp hội cho hay việc giao nhận tại sân bay và tại cảng đều theo lịch trình giờ giấc quy định chuyên ngành. Hải quan giám sát và thông quan theo giờ hành chính. Do vậy quy định chỉ được vận chuyển từ 22h đến 5h sáng là không phù hợp trong sản xuất kinh doanh và logistics.

Đồng thời, kiến nghị các quy định cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù quan trọng.

Doanh nghiệp tại TP.HCM đảm bảo phòng chống dịch mới được hoạt động

Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp báo cáo về tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trên địa bàn ngày 13/7.

Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM chấp nhận tạm dừng sản xuất

Không ít doanh nghiệp không thể bố trí đảm bảo phòng dịch như yêu cầu của TP.HCM nên đành chấp nhận tạm dừng hoạt động sản xuất trong những ngày tới.

Sản xuất của TP.HCM lâm vào thế khó

Tp. Hồ Chí Minh

doanh nghiệp

TP.HCM

doanh nghiệp sản xuất

3 tại chỗ

chỉ thị 16

pouyuen

dony

Theo: Zing News

Posted on Tháng Bảy 16, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top