Các chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường đang được định giá không quá cao nhưng cũng không còn nhiều dư địa tăng mạnh, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về triển vọng cuối năm.
Thị trường chứng khoán VIệt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu giai đoạn tăng nóng. Chỉ số VN-Index đã mất 140 điểm so với mức đỉnh 1.420 điểm (ngày 2/7), nhà đầu tư cứ “bắt đáy” lại thấy đáy mới. Giá trị vốn hóa thị trường cũng bốc hơi gần 23 tỷ USD và thanh khoản liên tục rơi về mức thấp.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, không ít nhà đầu tư bối rối về hành động ở thời điểm hiện tại, có nên cắt lỗ hay tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, hay giải ngân thêm để bắt đáy…
Thanh khoản giảm có đáng ngại?
Trong chương trình tư vấn chứng khoán ngày 14/7, Phó giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán SSI – ông Nguyễn Chí Trung – chia sẻ thị trường có những phiên thanh khoản rất cao và có những phiên thanh khoản thấp, đây thường là các hành động thăm dò thị trường. Trong thị trường giá xuống hiện nay thì nhà đầu tư sẽ tính toán rất kỹ việc mua bán đã dẫn đến thanh khoản thấp như vừa qua.
Thực tế cho thấy giá trị thanh khoản trong các phiên giảm điểm vừa qua chỉ quanh mức hơn 20.000 tỷ đồng, trong khi thời điểm VN-Index ở vùng đỉnh hơn 1.400 điểm thì thanh khoản thị trường ghi nhận bình quân hơn 27.000 tỷ, một số phiên trên 35.000 tỷ đồng.
Tâm lý thận trọng đang khiến thanh khoản chứng khoán giảm mạnh. Ảnh: Việt Linh |
Bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc SSI Research – tin rằng những lo ngại của nhà đầu tư đang ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường, như việc dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều tỉnh thành lớn thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải gồng mình giữ hoạt động sản xuất vì sắp tới là cao điểm xuất khẩu cuối năm.
Ngoài ra tháng 7 là mùa báo cáo kết quả kinh doanh nên thị trường đã bắt đầu phản ánh một phần vào thị giá. Do đó góc nhìn của nhà đầu tư đang lo ngại về kết quả kinh doanh quý III có thể chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh và xem xét thêm triển vọng quý IV.
“Thanh khoản duy trì ở mức thấp đồng nghĩa với bên mua đang thận trọng, đây là điều hiểu được sau một đợt biến động mạnh. Ngược lại ở phía bên bán, họ cũng không đẩy mạnh ra nữa. Đây là điểm tích cực cho thấy thị trường đang tìm kiếm điểm cân bằng mới sau giai đoạn biến động”, chuyên gia chiến lược của SSI Nguyễn Trọng Đình Tâm bổ sung thêm.
Thị trường đang được định giá ra sao?
Trong một báo cáo của Dragon Capital, công ty quản lý quỹ lớn nhất thị trường này đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận top 60 công ty trong danh mục xuống còn 35% (từ mức 46% trước đó).
Dù vậy thì định giá P/E dự phóng cả năm vẫn là 14,1 nếu VN-Index dứng ở mức 1.350 điểm. Đây vẫn là mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, tuy rằng cũng không phải là mức thấp so với trung bình các năm trước của Việt Nam.
“Do đó thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy. Nếu thị trường thế giới tiếp tục tăng và không có yếu tố tiêu cực xảy ra, chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022 nhờ các yếu tố cơ bản phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch”, báo cáo của Dragon Capital viết.
Theo tính toán của bà Hoàng Việt Phương, định giá P/E dự phóng theo lợi nhuận cả năm 2021 thì rơi vào khoảng 16 lần. Do đó chỉ số này đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận của nửa cuối năm nay. Nếu loại bỏ P/E của ngân hàng ra giá trị còn lại vào khoảng gần 18 lần.
Nhìn lại lịch sử, chỉ số P/E của Việt Nam trong thời gian dài ở mức trung bình 14 – 15 lần. Trong 3 năm gần đây, khi thị trường phát triển thì leo lên mức 21 lần tại thời điểm đầu năm 2018. Theo đó bà Phương khẳng định mức 18 lần không phải là quá cao nhưng dư địa tăng trưởng không còn nhiều.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định mức định giá của thị trường không còn quá rẻ kể từ khi VN-Index lên đỉnh 1.420 điểm. Ông dự báo mức P/E forward quý II ở mức 16 lần là cao hơn so với P/E bình quân 10 năm qua chỉ khoảng 14 lần.
Ngoài ra thị trường giảm mạnh do lực cầu yếu đi bởi hoạt động cho vay margin đã chạm mức tối đa ở các công ty chứng khoán. Diễn biến xấu của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 cũng dẫn đến triển vọng tăng trưởng GDP và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn.
Hành động của nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán ghi nhận khối lượng nhà đầu tư mới (F0) tham gia đột biến, tổng số tài khoản mở mới của cá nhân trong nước liên tục lập kỷ lục đạt gần 620.000 đơn vị sau nửa năm, cao hơn 58% so với cả năm 2020. Mặc dù đông đảo về số lượng, nhà đầu tư cá nhân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường bởi dễ dàng bị chi phối về mặt cảm xúc.
Đợt lao dốc gần đây khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về xu hướng của thị trường và hành động của bản thân, nhất là đối với các nhà đầu tư mới khi cơ hội “lướt sóng” không còn nhiều.
Nếu loại bỏ nhóm ngân hàng thì mức định giá P/E năm nay còn khoảng 18 lần, không phải là quá cao nhưng dư địa tăng trưởng không còn nhiều.
Hoàng Việt Phương – Giám đốc SSI Research
Chuyên gia chiến lược Nguyễn Trọng Đình Tâm chia sẻ rằng nhà đầu tư cần cân nhắc 3 yếu tố trước khi đưa ra quyết định giao dịch. Thứ nhất là phải xác định trường phái đầu tư là dài hạn hay ngắn hạn.
“Với phong cách đầu tư dài hạn, các phiên giảm hay những nhịp rung lắc trong giai đoạn hiện nay sẽ là cơ hội để tăng tích lũy và mua thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư ngắn hạn thì thời điểm này nên ưu tiên những biện pháp để quản trị rủi ro”, ông Tâm nói rõ.
Tiếp đến nhà đầu tư nên học cách phân tích thị trường, như xác định thị trường đang trong giai đoạn nào để đưa ra hành động phù hợp. Chẳng hạn như việc mua trong xu hướng tăng sẽ dễ kiếm lời hơn nhiều so với gom vào trong xu hướng giảm. Khi quyết định đặt lệnh mua cổ phiếu thì cũng cần trả lời câu hỏi vì sao mua và khi nào sẽ bán?
Cuối cùng nhà đầu tư nên trang bị kiến thức tài chính liên quan đến điểm mua. Vị chuyên gia cho rằng thay vì đi đoán đỉnh hay đoán đáy, nhà đầu tư nên học cách xác định những điểm mua vào để tích lũy hay tăng tỷ trọng. Thực tế mua cổ phiếu có nền tảng tốt vẫn bị thua lỗ trong trường hợp xác định sai điểm mua.
Chia sẻ với Zing, Giám đốc KIS Việt Nam – Trương Hiền Phương – nhận thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ có xu hướng bán ra khi thị trường biến động theo khuynh hướng bán tháo hoặc bởi tin đồn thất thiệt, hoặc đôi khi thị trường biến động có thể chỉ do các nhà đầu tư lớn bán ra có chủ đích.
“Những lúc thị trường có biến động mạnh thì nhà đầu tư nên bình tĩnh quan sát và tính toán lại chiến lược của mình hơn là bị cuốn theo xu hướng đó, trong khi bản thân không nắm rõ tình hình. Việc để hành động bị cuốn theo tâm lý bầy đàn thực chất không hiệu quả, đôi khi mang tính bất lợi”, ông Phương chia sẻ.
Theo Dragon Capital, đợt giảm này là vận động bình thường bởi mức định giá của thị trường đã lên hơn 19 lần khi VN-Index vượt đỉnh 1.400 điểm. Đây là những yếu tố nóng khiến thị trường có những phiên điều chỉnh. Công ty quản lý quỹ tin rằng đây là lúc nên kiểm soát rủi ro tránh những hành động hoảng loạn hoặc bán bằng mọi giá.
Tuy nhiên, khi mặt bằng định giá thị trường đã hợp lý hơn, việc lựa chọn cổ phiếu cũng có thể thực hiện. “Nếu nhà đầu tư có xu hướng tự đầu tư, nên lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh cả năm tốt, dự kiến tăng thị phần kinh doanh, tránh các cổ phiếu lướt sóng. Nếu họ có kế hoạch tích sản, thời điểm này là lúc mua bình quân giá tốt. Điều quan trọng là thiết lập kỷ luật giải ngân bền bỉ, đều đặn trong thời gian dài”, báo cáo của Dragon Capital viết.
Chứng khoán biến động mạnh, F0 cần làm gì?Nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị dẫn dắt bởi tâm lý đám đông, do đó chuyên gia khuyến nghị nên cố gắng bình tĩnh và xử lý thông tin, không nên hành động quá nhanh. |
Chứng khoán giảm sâu
hành động của nhà đầu tư chứng khoán
Thanh khoản chứng khóa giảm mạnh
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn
Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán
định giá thị trường chứng khoán
Theo: Zing News
Comments are closed.