Trong cuộc trấn áp các tập đoàn công nghệ, Bắc Kinh có thể chặn lỗ hổng hàng nghìn tỷ USD, vốn cho phép doanh nghiệp nước này huy động tiền trên sàn Mỹ trong thập kỷ qua.
Theo Nikkei Asian Review, phương pháp được các công ty Trung Quốc hàng đầu sử dụng để bán cổ phiếu tại Mỹ có thể lọt vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh. Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Mỹ.
Mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) chưa bao giờ được Bắc Kinh phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.
Cụ thể, mô hình này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu cổ phần.
Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách bịt lỗ hổng pháp lý từng cho phép các doanh nghiệp nước này huy động hàng chục tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Lỗ hổng pháp lý
Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.
Trong số 700 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ vào năm 2017, những công ty có trụ sở tại Caymans chiếm 477 tỷ USD, theo một báo cáo hồi năm ngoái của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Nếu các nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu đặt câu hỏi về vấn đề này trong bối cảnh cuộc trấn áp đối với những công ty công nghệ lớn như hãng gọi xe Didi Global, niềm tin của nhà đầu tư sẽ sụp đổ và tạo ra cú sốc trên các thị trường tài chính toàn cầu.
Cơ cấu VIE của doanh nghiệp Trung Quốc gây rủi ro cho nhà đầu tư Mỹ
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ
Hệ thống quy tắc do Trung Quốc đặt ra vào năm 1994 yêu cầu các công ty phải nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước để niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng chỉ có hiệu lực với những công ty phát hành cổ phiếu có trụ sở tại Trung Quốc và không xem xét đến khả năng niêm yết thông qua một công ty vỏ bọc ở nước ngoài.
Theo báo chí Mỹ, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đang lên kế hoạch thay đổi các quy tắc này. Khi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt hạn chế đối với việc niêm yết nước ngoài, giới chức trách có thể yêu cầu doanh nghiệp sử dụng VIE xin phép niêm yết trên sàn quốc tế, ngay cả khi thông qua một công ty holding đăng ký ở nước ngoài.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) từng nhấn mạnh tình trạng pháp lý không rõ ràng của các VIE trong một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái. Cơ quan này khẳng định cơ cấu VIE của doanh nghiệp Trung Quốc “gây rủi ro cho nhà đầu tư Mỹ”.
Nguy cơ thay đổi
“Chính phủ Trung Quốc có thể xác định rằng các thỏa thuận thiết lập cấu trúc VIE không tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”, SEC cho biết. “Điều này có thể khiến các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc bị phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh và hoạt động, hoặc tước quyền sở hữu”, SEC cảnh báo.
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc – cơ quan cố vấn lưỡng đảng cho Quốc hội – cũng đề xuất luật chặn các công ty Trung Quốc phát hành cổ phiếu trên thị trường Mỹ thông qua VIE.
Alibaba thành lập Alibaba Group Holding như một công ty vỏ bọc có trụ sở tại Caymans để niêm yết cổ phiếu ở New York.
Công ty holding này đã thành lập các công ty con thuộc sở hữu nước ngoài tại Trung Quốc, trong đó ký kết những thỏa thuận kiểm soát theo hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý hoạt động bán lẻ điện tử và những hoạt động khác của Alibaba, cũng như các cổ đông của họ. Những thỏa thuận trên biến các công ty thành những VIE.
Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã thành lập Alibaba Group Holding như một công ty vỏ bọc có trụ sở tại Caymans để niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Các hợp đồng cũng cung cấp cho công ty holding có trụ sở tại Caymans quyền kiểm soát những doanh nghiệp đang hoạt động và cho phép lợi nhuận của họ chảy vào đó.
Trong một vụ án hồi năm 2016, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã bác bỏ lập luận cho rằng hợp đồng VIE của một công ty giáo dục không hợp lệ theo các hạn chế của Trung Quốc đối với quyền sở hữu nước ngoài. Đây được coi một phán quyết có hiệu lực ngầm về thỏa thuận này.
“Đây là quyết định đầu tiên của Tòa án Nhân dân Tối cao về tính hợp pháp của VIE”, ông Gao Xiang, quản lý tại công ty luật Jingtian & Gongcheng của Trung Quốc, chia sẻ. “Nhưng vẫn có khả năng một tòa án khác có thể ra phán quyết khác”, ông nói thêm.
Nhà đầu tư Mỹ và doanh nghiệp Trung Quốc đến lúc chia tay?Ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ xa lánh các công ty công nghệ Trung Quốc, sau khi hàng loạt tập đoàn Internet bị chính quyền Bắc Kinh trừng phạt. |
Trung Quốc lo ngại khi đế chế bất động sản Evergrande mắc nợ kỷ lụcTỷ phú Hứa Gia Ấn – chủ tịch tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc – đã được các quan chức Bắc Kinh triệu tập và thúc giục sớm giải quyết “bom nợ” khổng lồ của tập đoàn. |
Theo: Zing News
Comments are closed.