Kết quả kinh doanh tốt tại các thị trường nước ngoài khiến cho dòng tiền về Việt Nam vượt mức kế hoạch, đạt gần 140 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mặc dù đối mặt với bất ổn chính trị, thiên tai, chính sách nước sở tại và đặc biệt là dịch bệnh, các thị trường Viettel đầu tư vẫn đạt những kết quả ấn tượng. Tại thị trường châu Phi, Halotel (thương hiệu Viettel tại Tanzania) đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây – gần 30%; Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm qua, tăng trưởng hơn 26%, đạt đỉnh 4,5 triệu thuê bao ngay cả trong mùa mưa…
Tại châu Á, Mytel (thương hiệu Viettel tại Myanmar) vượt mốc 10 triệu thuê bao sau 2 năm kinh doanh, chiếm gần 30% thị phần, sớm hơn mục tiêu đề ra nửa năm. Tất cả các thị trường do Viettel đầu tư đều thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số cho Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó Bitel (thương hiệu Viettel tại Peru) liên tiếp thắng thầu các dự án đem lại doanh thu 6 tháng đầu năm gần 10 triệu USD, lợi nhuận hơn 1,5 triệu USD.
Kết quả kinh doanh của Viettel tại các thị trường nước ngoài nằm ngoài các dự báo suy giảm của các chuyên gia trên thế giới. Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), chi tiêu cho CNTT trên toàn thế giới dự kiến giảm 5,1%, chi tiêu viễn thông sẽ giảm gần 1%. Những tên tuổi lớn nhất của ngành viễn thông nằm trong top 30 của danh sách 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 do Brand Finance xếp hạng phần lớn đều chịu thiệt hại do tác động từ Covid-19, dẫn tới không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh viễn thông nước ngoài đã giúp Viettel đảm bảo tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra trong 6 tháng đầu năm 2020. Tổng doanh thu của Tập đoàn Viettel, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 57% so với cùng kỳ.
Comments are closed.