32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm biến mất: BIDV nói gì?

Sáng ngày 9/9, khách hàng Ngô Phương Anh (57 tuổi, ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trực tiếp đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội) đề nghị tất toán sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại đây bà được thông báo số tiền trên đã không còn.

“Cấu kết chiếm đoạt 32 tỷ đồng”

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, bà Phương Anh cho biết ngày 20/4, bà Bùi Thị Anh Thư (đường Đào Duy Từ, Đà Lạt) đề nghị bà cùng tới BIDV chi nhánh Tây Hồ để hoàn tất thủ tục sang tên sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng. Việc sang tên do bà Thư mua miếng đất trị giá 36 tỷ đồng của gia đình bà Phương Anh tại Đà Lạt cách đó ít tháng.

Trước đó, để trả số tiền mua nhà đất 36 tỷ đồng, bà Anh Thư đã làm hợp đồng ủy quyền cho bà Phương Anh sở hữu một sổ tiết kiệm có kỳ hạn 30 tỷ đồng mang tên Bùi Thị Anh Thư do phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ phát hành vào ngày 21/1 và ngày hết hạn là 21/4/2016.

Khi làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm, bà Phương Anh cho biết phía ngân hàng yêu cầu hai bà đưa chứng minh nhân dân để photo và đưa một tờ giấy trắng không có nội dung yêu cầu bà ký phía dưới.

“Ông Phạm Thế Long, Giám đốc phòng giao dịch trên yêu cầu tôi ký vào tờ giấy trắng A4 và nói làm vậy để ngân hàng xác nhận xem có giống với mẫu chữ ký tôi từng đăng ký tại ngân hàng hay không. Sau đó ông Long nói thủ tục đã hoàn tất và hẹn tôi sáng 22/4 quay lại nhận sổ”, bà Phương Anh kể.

32 ty dong trong so tiet kiem bien mat: BIDV noi gi? hinh anh 1
Bà Ngô Phương Anh ở Lâm Đồng tố bị mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm ở BIDV. Ảnh minh họa: N.Y.

Sáng 22/4, bà Phương Anh tới ngân hàng nhận sổ tiết kiệm, nhưng ông Long đưa hơn 10 giấy tờ có tiêu đề “Giấy nộp tiền”, không có nội dung và yêu cầu bà ký phía dưới.

“Do chủ quan tôi chỉ nghĩ phát hành sổ tiết kiệm mới nên ký để nộp vào thẻ mới nên đồng ý. Ngoài ra còn có 2 tờ giấy màu hồng cam kết không rút tiền trước thời hạn. Sau đó tôi được nhận sổ tiết kiệm mới kèm theo 5 bản sao mang tên tôi với kỳ hạn là 3 tháng trị giá 32 tỷ đồng. Tôi tin tưởng gửi lại sổ tiết kiệm mang tên Bùi Thị Anh Thư cho nhân viên ngân hàng tên Chung ở phòng giao dịch này cầm”, bà Phương Anh nói thêm.

Sự việc bắt đầu nảy sinh khi vào ngày 21/6, ông Chung nhắn tin vào điện thoại di động của bà Phương Anh: “Sổ ở BIDV tới thời hạn phải trả, cháu cho chị Thư mượn tiền để làm sổ cho cô, bây giờ đã đến hạn tất toán, cô ra Hà Nội giúp cháu nếu không tên cô sẽ bị treo trên toàn hệ thống ngân hàng, sau này không ai giao dịch với cô đâu”.

Ngày 1/7, bà nhờ người quen làm tại BIDV TP.HCM kiểm tra thì phát hiện 32 tỷ đồng đã bị rút vào trưa ngày 22/4. Ngày 9/9, tại phòng giao dịch D2 Giảng Võ, nhân viên BIDV cho bà Phương Anh xem toàn bộ chứng từ giao dịch bà nộp tiền cho hơn 10 người mà bà “không hề quen biết” với chữ ký chuyển tiền từ ngày 22/4.

“Riêng tờ giấy trắng tôi ký lại được trưng ra là giấy báo mất sổ”, bà nói.

Đến ngày 21/9, bà Phương Anh làm đơn tố cáo ông Phạm Thế Long, Giám đốc phòng giao dịch trên “cấu kết” với một số nhân viên ngân hàng chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà. Hiện ông Long đã thôi giữ chức giám đốc phòng giao dịch này.

Ông Vũ Hoàng Dương, Giám đốc Chi nhánh BIDV Tây Hồ cho biết vào hôm bà Phương Anh tới ngân hàng đề nghị rút toàn bộ 32 tỷ đồng, phòng giao dịch có kiểm tra thì thấy sổ tiết kiệm đã được tất toán vào ngày 22/4.

Về mặt pháp lý, ông Dương khẳng định việc tất toán cho bà Phương Anh vào ngày 22/4 là hoàn toàn hợp lệ, đúng quy định của ngân hàng. Đáng chú ý, ông Dương thông tin camera ghi lại sự việc chỉ lưu được 3 tháng, sau đó sẽ bị ghi đè lên.

“Vụ việc rất phức tạp”

Nhận được phản ánh của Zing.vn về việc này, lãnh đạo BIDV thông tin thêm sau khi tiếp nhận đề nghị, đối soát với hồ sơ khách hàng hiện có, BIDV Tây Hồ nhận thấy có một số dấu hiệu không khớp đúng trong các chứng từ giao dịch và lưu giữ giữa ngân hàng và khách hàng.

“Xét thấy sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng, chúng tôi đã thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc, báo cáo cơ quan công an đề nghị làm rõ theo quy định của pháp luật”, đại diện ngân hàng cho biết.

Ngày 12/9, đại diện cơ quan Công an đã có cuộc họp với BIDV chi nhánh Tây Hồ. Theo thông tin từ phòng an ninh tài chính – tiền tệ – đầu tư (PA84) Công an Hà Nội, đơn vị này đã tiếp nhận, thụ lý vụ việc, tổ chức tiếp nhận các giấy tờ, tài liệu có liên quan do bà Anh cung cấp.

Đơn vị cũng đã lấy lời khai của bà Phương Anh và làm việc với lãnh đạo BIDV để làm rõ vụ việc, xác minh nội dung trong đơn thư của bà.

“Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan Công an để làm rõ, nhanh chóng xác minh bản chất sự việc và giải quyết khiếu nại của bà Ngô Phương Anh. BIDV khẳng định mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng nói chung và của bà Ngô Phương Anh nói riêng luôn được đảm bảo”, lãnh đạo BIDV cam kết.

Trong khi đó, trao đổi với báo Tuổi trẻ, lãnh đạo PA84 đánh giá đây là vụ việc rất phức tạp, khi nào có kết quả điều tra mới đưa ra được đánh giá, kết luận.

Phía ngân hàng cho hay sau khi có kết luận chính xác bản chất sự việc từ cơ quan chức năng họ sẽ có thông báo chính thức công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng.

Những câu hỏi về vụ mất 26 tỷ trong tài khoản VPBank

Những thông tin được cung cấp mâu thuẫn giữa các bên đã khiến cho vụ việc tố cáo mất 26 tỷ đồng trong tài khoản tại ngân hàng VPBank của công ty Quang Huân trở nên phức tạp.

Posted on Tháng Chín 22, 2016 in Tin tức

Share the Story

Back to Top