10.000 tỷ ‘đắp chiếu’ bên Lào, thêm một đại dự án thất bại

Tổng mức đầu tư của dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2013 là hơn 522 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có là 104 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 113 triệu USD, vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ là 262 triệu USD, vốn vay thương mại không bảo lãnh là hơn 43 triệu USD.

Triển khai dự án khi chưa đủ điều kiện

Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án vào năm 2012 chỉ là 377 triệu USD nhưng sau khi tính toán lại thì điều chỉnh tổng mức đầu tư lên con số 522 triệu USD.

Theo kết luận thanh tra, việc chủ đầu tư phối hợp chưa chặt chẽ với nhà thầu tư vấn trong quá trình thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà thầu tư vấn thiếu cập nhật các quy định của Việt Nam đối với dự án có vốn nhà nước, quá trình thực hiện dài (từ 2008-2011) dẫn đến tổng mức đầu tư thay đổi lớn do phát sinh (từ 377 triệu USD lên 522 triệu USD).

10.000 ty 'dap chieu' ben Lao, them mot dai du an that bai hinh anh 1
Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Vinachem.

“Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tập đoàn và các bộ phận tham mưu có liên quan”, Bộ Công Thương kết luận.

Đáng chú ý, khi xác định tổng mức đầu tư, thì Vinachem đã tính đến việc vay thương mại có bảo lãnh Chính phủ với số tiền lên tới 262 triệu USD. Vậy nhưng kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho rằng, dù Bộ Tài chính chưa bảo lãnh để giải ngân nguồn vốn vay nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thực hiện ký hợp đồng là chưa đảm bảo chắc chắn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng.

Thực tế, tháng 11/2016 Bộ Tài chính đã ra văn bản thông báo không cấp bảo lãnh cho dự án này và yêu cầu Vinachem tự chủ động triển khai thực hiện dự án.

Khi đó, Vinachem mới thừa nhận do không được bảo lãnh vay vốn nên Tập đoàn không đủ khả năng để tự thu xếp nguồn vốn cho dự án nên đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương rằng “nếu đến 20/11/2016 Tập đoàn chưa có được bảo lãnh cho dự án thì Tập đoàn sẽ ra thông báo tạm dừng dự án tới các nhà thầu”.

Sau đó, Vinachem đã phải ra thông báo tạm dừng dự án lần 1.

Ngoài ra, khi tính toán hiệu quả kinh tế của dự án vào tháng 9/2015, thì giá bán KCl tiêu chuẩn là 340 USD/tấn, KCl dạng hạt là 365 USD/tấn. Với mức giá này dự án có hiệu quả kinh tế.

Nhưng cuối năm 2016, giá KCl tại thị trường Đông Nam Á giảm sâu còn 250 USD/tấn, giá KCl tại Việt Nam còn 270 USD/tấn nên ảnh hưởng hiệu quả của dự án. Tại cuộc họp tổ chức vào tháng 11/2016 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Vinachem đã báo cáo trực tiếp về tình hình giá bán KCl giảm sâu ảnh hưởng đến hiệu quả dự án và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Sau các ý kiến yêu cầu rà soát lại dự án của lãnh đạo Chính phủ, Vinachem đã liên hệ 4 nhà cung cấp nhưng không nhà cung cấp nào có dự báo giá KCl sau năm 2021 mà chỉ có trong thời gian 5 năm từ 2017-2021. Vinachem tiếp tục thuê Viện khoa học và công nghệ mỏ – luyện kịm để tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án.

Kết quả là dự án được đánh giá là “không có hiệu quả kinh tế”.

Một điều cần nhấn mạnh, khi thẩm định dự án vào năm 2012, Bộ Tài chính đã đề nghị “đánh giá về giá sản phẩm của dự án nhập về Việt Nam so với giá sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại từ nguồn khác”. Nhưng Tập đoàn Hóa chất không thực hiện mà chỉ sử dụng đúng kết quả của tư vấn lập dự án để trình Bộ Công Thương phê duyệt dự án.

Dừng dự án, hơn nghìn tỷ “nằm đắp chiếu”

Đầu tư một dự án lên đến hơn 10.000 tỷ ở nước ngoài, nhưng kết luận thanh tra cho thấy bộ máy quản lý đầu tư còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại Tập đoàn, bộ phận trực tiếp quản lý đầu tư là Ban đầu tư xây dựng, nhưng từ 2011-2016 Ban này chỉ có 8 người, sau tháng 9/2016 chỉ còn 6 người.

“Bộ máy thực hiện công tác quản lý đầu tư dự án thuộc VinaChem chỉ đảm bảo yêu cầu theo dõi chủ trương đầu tư và cơ chế chung thực hiện dự án, không thể tham gia quản lý tổng thể, điều hành, chấn chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư trong tập đoàn”, Bộ Công Thương đánh giá.

10.000 ty 'dap chieu' ben Lao, them mot dai du an that bai hinh anh 2

Bộ Công Thương cũng cho rằng ông Nguyễn Huy Cương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt – Lào là Kỹ sư địa chất công trình thủy văn. Ông này được bổ nhiệm lần đầu vào tháng 8/2010. Căn cứ các quy định, quy chế của Tập đoàn về chức năng nhiệm vụ, thì Bộ Công Thương thấy rằng năng lực của công ty, Tổng giám đốc công ty không phù hợp.

Sau khi ký hợp đồng tổng thầu EPC với liên danh nhà thầu TTCL-K.UTEC-CECO vào năm 2015, thì đến tháng 9/2015 dự án được khởi công. Tiến độ xây dựng dự kiến 40 tháng.

Thế nhưng do các khó khăn của dự án, tháng 7/2017 Tập đoàn hóa chất Việt Nam có văn bản thông báo tạm ngừng công việc của hợp đồng EPC.

Đến tháng 8/2017 dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng, đạt 22,32% kế hoạch ban đầu.

Tính đến hiện tại, chỉ một số gói thầu phụ trợ của dự án được hoàn thành như nhà điều hành quản lý dự án, trạm biến áp phục vụ thi công, tuyến đường vào nhà máy… Công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã được triển khai.

Ngày 15/5/2018, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Hóa chất thực hiện dừng, kết thúc các hợp đồng của dự án;đánh giá, xác định lại khối lượng, chi phí đã thực hiện và dự kiến chi phí phát sinh khi kết thúc các hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến hạn chế, thiếu sót.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Hai 18, 2019 in Tin tức

Share the Story

Back to Top